Friday, April 26, 2024

Bất chấp lũ, dân nghèo ở Quảng Nam liều mình mót vàng

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Bất chấp mối nguy hiểm có thể bị lũ cuốn trôi, hàng trăm người dân ở Quảng Nam vẫn dầm mình dưới sông Trường, gần đập thủy điện Đắk Mi 4 để đãi vàng sa khoáng kiếm cái ăn.

Sau trận lũ hồi Tháng Mười Một, hàng trăm người dân rủ nhau đến sông Trường, đoạn chạy qua huyện Phước Sơn, chỉ cách hạ lưu đập thủy điện Đắk Mi 4 khoảng 18 cây số để đãi vàng, bất chấp “tử thần” rình rập do không biết khi nào thì dòng lũ từ thượng lưu bất ngờ đổ về. Bởi vì ai cũng biết, nếu thủy điện Đắk Mi 4 bất ngờ xả lũ thì khó mà sống sót.

Theo báo Thanh Niên, đứng trên cầu nhìn xuống, đoạn sông Trường chỗ cạn nước lộ ra những ụ đá lởm chởm, dưới lòng sông hàng trăm con người đủ mọi lứa tuổi đang lặn ngụp đào cát đãi vàng giữa dòng nước đục ngầu. Chỉ cái xẻng và chiếc nón sắt, rồi lặn xúc cát lên đổ vào nón để đãi. Tới khi chỉ còn lại một lớp cát đen, họ “làm sạch” lần nữa với hy vọng gạn được ít vảy vàng.

Vừa ngoi từ dưới nước lên, run cầm cập vì lạnh, ông Nguyễn Văn Thuận (58 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn) cho biết ông tham gia đãi vàng được gần ba tuần. Phần đông người đãi vàng dưới chân đập thủy điện Đắk Mi 4 là đồng bào dân tộc Bh’Noong.

“Sau trận lũ vừa qua, người dân trong làng bảo vàng trên núi theo nước lũ trôi về nằm dưới lòng sông, nghe vậy tôi và vợ đành bỏ nương rẫy theo họ ra đây. Già rồi, sức khỏe yếu nên cũng không đãi được nhiều. Một ngày gắng lắm cũng kiếm được 50,000 đến 70,000 đồng (khoảng $2 đến $3),” ông Thuận nói.

Sau lũ, người dân ngâm mình dưới sông Trường để đãi vàng. (Hình: Thanh Niên)

Đang cố đào từng xẻng đất đá đưa lên khay đãi vàng, bà Hồ Thị Hà (30 tuổi, xã Phước Hiệp) kể, lũ dâng cao khiến nhà bị ngập gần 2 mét, bao nhiều đồ đạc trôi hết, không biết làm gì để nuôi bốn con nhỏ nên phải ra sông đãi vàng. “Làm nghề này cực lắm, mỗi ngày làm cật lực cũng chỉ kiếm được chừng 100,000 đồng (khoảng $5) là cùng. Người nào ‘trúng quả’ cũng chỉ 400,000 đồng (khoảng $18), nhưng hiếm lắm,” bà cho biết.

Đang chăm chú đãi lớp đất để tìm vàng, bà Nguyễn Thị Tuyết (49 tuổi, xã Phước Hiệp) cho hay nhiều lúc ngâm mình dưới dòng nước đến tê buốt cả người, khi lên bờ thì đi không nổi. “Đãi vàng dưới chân thủy điện cũng giống như đang đùa cợt với thần chết vậy. Dù biết là nguy hiểm, nhưng sau lũ thiếu thốn quá đành phải ra đây. Chứ không biết làm gì để sống qua bữa cả. Thấy nước chảy lờ đờ vậy đó, nhưng khi thủy điện xả lũ thì trong chốc lát cả đoạn sông Trường trở thành biển nước. Nếu không phát hiện sớm thì chỉ có mà bỏ mạng,” bà Tuyết nói.

Ngày 9 Tháng Mười Hai, nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phước Sơn, thừa nhận sau lũ người dân bỏ việc để đi đãi vàng rất nhiều. Chính quyền địa phương đã nhiều lần cấm nhằm hạn chế tình trạng đãi vàng trái phép và trực tiếp giao cho xã trực tiếp tổ chức người canh giữ, nhưng cấm được một thời gian thì người dân lại lén lút hoạt động.

“Trước mắt, huyện đã thống nhất với thủy điện Đắk Mi 4 mỗi khi xả lũ bất ngờ thì sẽ có loa thông báo, để bảo đảm an toàn cho người dân đang đánh bắt và đãi vàng ở khu vực hạ du sông Trường,” ông Hà nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT