Thursday, April 25, 2024

Bị sức ép dư luận, Tổng Cục Đường Bộ buộc VEC rút quyết định cấm xe

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trước sự phẫn nộ của người dân ngày càng lan rộng, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam đã yêu cầu Tổng Công Ty Đầu Tư Phát Triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC) đính chính lại thông tin “từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai xe hơi do chưa có quy định,” thực chất là “ngồi xổm trên luật.”

Ngày 12 Tháng Hai, 2019, nói với báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam, thừa nhận cho biết VEC ra quyết định “từ chối phục vụ vĩnh viễn” với các xe cộ là vượt quá thẩm quyền và trái luật. Chủ đầu tư cao tốc chỉ được quyền ngăn chặn, chế tài với xe quá tải. Còn với xe khách, xe hơi từ 9 chỗ ngồi trở xuống nếu vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước như Công An, Bộ Giao Thông.

“Tổng Cục Đường Bộ đã yêu cầu VEC báo cáo sự việc, nếu đơn vị này ra quyết định từ chối phục vụ sẽ yêu cầu rút lại văn bản trái luật,” ông Huyện nói.

Nói với báo VNExpress về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe hơi 51A-55850 và 51G-77256 ở Sài Gòn do tài xế “gây rối” tại trạm thu phí cao tốc Sài Gòn-Long Thành – Dầu Giây, ông Nguyễn Văn Nhi, phó tổng giám đốc VEC biện minh “đây mới là đề xuất từ đơn vị quản lý tuyến cao tốc. VEC chưa ra quyết định cấm hai xe cộ này.”

Thế nhưng, theo ông Nhi, trong nhiều năm qua VEC đã từng ra quyết định từ chối phục vụ hàng ngàn xe trên cao tốc do: không tuân thủ quy định của chủ đầu tư, vi phạm giao thông, tài xế bắt khách dọc đường, những trường hợp gây rối… Trong đó, nhiều xe cộ bị từ chối vĩnh viễn.

Đường cao tốc Đà Nẵng-Quãng Ngãi do VEC đầu tư mới khai thác đã hư hỏng. (Hình: Zing)

“Chúng tôi xem xét theo mức độ vi phạm để ra quyết định, lỗi nhẹ sẽ áp dụng chế tài từ chối phục vụ 5 ngày; nếu tái phạm áp dụng 15 ngày. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần VEC sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn,” ông Nhi nói.

Ông Nhi cho rằng, đơn vị căn cứ vào Luật Dân Sự để đưa ra các chế tài. “Đây là quan hệ giữa hai bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Nếu tài xế đi vào cao tốc thì phải chấp nhận các quy định của chủ nhà,” ông Nhi nói và khẳng định “VEC làm như vậy để để hạn chế những vi phạm trên cao tốc, bảo đảm an toàn, thông suốt cho các xe cộ.”

Phân tích ở góc độ pháp lý các chuyên gia Luật cho rằng, Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị quản lý tuyến cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây, (công ty con của VEC) từ chối phục vụ hai xe cộ trên chỉ dựa vào quy định nội bộ, không phải quy định pháp luật nên không có giá trị áp dụng thực tiễn với chủ xe, hay xe cộ trên cao tốc. Hơn nữa, đường cao tốc là đường công cộng không phải thuộc sở hữu của chủ đầu tư mà chủ đầu tư chỉ có quyền khai thác trên đó.

Với vai trò là đơn vị vận hành cao tốc, khi phát hiện các vi phạm của xe cộ, chủ đầu tư phải báo cảnh sát giao thông xử lý. Trường hợp có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định.

Trước đó, tối ngày 10 Tháng Hai, VEC cho rằng hai xe hơi mang bảng số Sài Gòn nêu trên “đến cabin thu phí và dù đã nhận tín hiệu từ nhân viên thu phí, nhưng người cầm lái không trả thẻ thu phí và tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí”, nên ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VEC E đã thay mặt VEC ký thông báo “từ chối phục vụ vĩnh viễn hai xe hơi BKS 51A-55850 và 51G-77256 vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý”, với lý do tài xế những xe này “có hành vi gây rối tại trạm thu phí trên cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây” gây bất bình trong dư luận.

Nhà báo Hoàng Linh bày tỏ trên trang Facebook cá nhân: “Đất nước này, con đường ấy là của dân tộc Việt Nam chứ không phải của ba má VEC E để lại mà mấy người ra lệnh cấm phục vụ.”

Trong khi đó, Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phẫn nộ viết:

“Một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, phi pháp và bất nhân coi người dân ngang với gia súc như thế này. Chỉ có gia súc mới bị cấm đi vào cao tốc. Chứ con người với xe cộ được phép mà bị cấm? Một sự ngang ngược trắng trợn, đặt mình cao hơn dân hơn nước, hơn cả cha ông ngàn năm để đất lại cho con cháu, tự ra một luật riêng để cấm quyền đi lại của người dân…

Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chính phủ, nhà nước cần vào cuộc để làm rõ cái hành động xâm phạm nhân quyền, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người dân một cách trầm trọng như thế này…

Đã quá đáng lắm rồi những hành vi ăn chặn của BOT. Đã quá sức chịu đựng cho người dân lắm rồi hành vi gây phẫn nộ cho người dân bằng những tham lam vô độ, dối trên gạt dưới của cái gọi là BOT ở những nơi mà có lũ súc sinh VEC đầu tư.

Không và không nên để cái nạn này tồn tại như thế này mãi nữa. Không thể nào.

Ăn của dân không từ thứ gì và không từ một ngõ ngách nào là thế này đây. Ở đâu cũng rào cũng dậu cấm người dân được đi trên đường của họ để bóc lột bằng mọi giá.

Thậm chí, ngay phi trường Vinh, lối vào là một Barie to đùng, thu tiền ngang nhiên của người dân vào sân bay. Hết thời hạn thu tiền xe gắn máy bắt buộc phải bỏ barrie, chúng nó bỏ barrie nhưng lại hàn vào đó cái cổng sắt, thế là xe gắn máy phải đi sang phía làn xe hơi và trả phí như thường. Ông bí thư và chủ tịch Nghệ An, các ông đừng nói là các ông không bao giờ ra phi trường để không thấy cảnh này nhé? Không thể nào chịu nổi nữa!(Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT