Friday, April 26, 2024

Bị Trung Quốc đe dọa, tàu khoan dầu của Repsol rời Việt Nam sang Malaysia

HÀ NỘI (NV) – Tàu khoan dầu của công ty Repsol thuê, từng bị áp lực phải dừng khoan trên thềm lục địa Việt Nam, đã được nhìn thấy ở vùng biển của Malaysia phía ngoài cảng Labuan.

Theo Reuters, dữ liệu theo dõi sự di chuyển của các phương tiện hoạt động trên biển quốc tế qua vệ tinh hôm 14 Tháng Tám 2017, người ta thấy tàu Deepsea Metro I từng hoạt động hồi tháng trước tại lô 136-3 tại bãi Tư Chính trong thềm lục địa Việt Nam (khoảng 230 hải lý Ðông Nam Vũng Tàu) đang có mặt tại phía ngoài khơi cảng Labuan của Malaysia. Tàu cũng đang được công ty của Na Uy là Odfjell Drilling Ltd., sử dụng.

Tháng trước, tin cho hay tàu nói trên được công ty Repsol của Tây Ban Nha thuê để khoan tìm dầu khí tại lô 136-3 nhưng đã nhận được lệnh phải dừng khoan dột ngột dù họ đã khoan trúng một mỏ khí lớn. Về sau người người ta được biết rằng tàu khoan tìm Deepsea Metro I phải ngưng ngang hoạt động theo yêu cầu của Petro Vietnam vì đe dọa của Bắc Kinh đối với Hà Nội.

Theo nhà báo Bill Hayton tiết lộ trên BBC, “Tôi được nghe rằng chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Repsol đưa ra lý do kỹ thuật để dừng sớm việc khoan tìm dầu. Họ cần có một lý do nào đó để tuyên bố vì lý do kỹ thuật hoặc do thời tiết xấu mà người ta đã phải ngừng việc khoan thăm dò ở đây. Nhưng Repsol đã từ chối.”

Tuy nhiên, cuối cùng thì cũng đã phải bỏ ngang công cuộc thăm dò vì những đe dọa từ Bắc Kinh quá nghiêm trọng mà Hà Nội không thể làm khác.

Theo đại diện hãng Repsol nói với Reuters, họ đã tiêu tốn $27 triệu tại lô 136-3, lô dầu khí đặt tên theo cách gọi của Việt Nam về phân chia các lô dò tìm và khai thác dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chủ đầu tư khai thác lô 136-3 (còn được gọi tên là Cá Rồng Ðỏ) là công ty dầu khí quốc doanh Petro Vietnam và công ty Mubadala Development Co của United Arab Emirates.

Tuy lô 136-3 nằm trong thềm lục địa Việt Nam với đặc quyền kinh tế 250 hải lý theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), nhưng lại vướng cái vạch chủ quyền hình “lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Ðông nên Trung Quốc đã đe dọa Hà Nội, ép phải ngưng. Tin tức tiết lộ là nếu không dừng lại, Trung Quốc sẽ xua quân đánh chiếm các đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Cho tới nay, người ta vẫn không thấy Hà Nội xác nhận có chuyện khoan tìm dầu khí tại lô 136-3 hay không, hoặc có cả chuyện phải ngưng thăm dò hay không. Người ta chỉ thấy Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao tuyên bố mơ hồ, “Hoạt động dầu khí của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).”

Theo Bill Hayton nói trên BBC, không những việc khoan tìm dầu khí phải bỏ ngang “có một điểm nghiêm trọng hơn, đó là tôi nghe thấy rằng Việt Nam đã hứa sẽ không bao giờ khoan dầu, khí ở vùng biển này nữa.” (TN)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 14 tháng 8 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT