Thursday, April 18, 2024

Bình Thuận bất lực với tro, xỉ than từ cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Gần chục triệu tấn tro xỉ thải ra từ bốn nhà máy điện than của Trung Tâm Điện Lực Vĩnh Tân tồn đọng tại bãi thải các nhà máy chưa biết đổ đi đâu, trong khi người dân bị hành hạ hằng ngày từ môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Trung Tâm Điện Lực Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, gồm năm dự án nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc liên kết với Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đầu tư, với tổng công suất hơn 6,260 MW. Hiện tại, bốn nhà máy đang hoạt động gồm Vĩnh Tân 1, 2, 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Tuy nhiên báo SGGP ngày 14 Tháng Tám, dẫn tin từ Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho hay trong năm năm qua, bốn nhà máy nhiệt điện đã thải ra khoảng 11 triệu tấn tro, xỉ than, nhưng hiện mới chỉ có khoảng một triệu tấn được “xử lý, tiêu thụ,” còn 10 triệu tấn đang tồn ứ tại bãi chứa. Lượng tro, xỉ than này được chôn lấp tập trung tại các bãi thải.

Tại bãi thải xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 rộng gần 60 hécta, có sức chứa theo thiết kế khoảng 7.5 triệu tấn. Nhà máy bắt đầu đổ tro, xỉ từ Tháng Tư, 2018, đến nay chỉ hơn hai năm đã lưu chứa khoảng ba triệu tấn.

Trong khi đó, bãi thải xỉ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng trên tổng diện tích hơn 38 hécta, có sức chứa khoảng 9.3 triệu tấn. Bãi chứa này hoạt động từ năm 2015 đến nay tới giờ đã chứa khoảng 6.8 triệu tấn tro, xỉ.

Như vậy, ngoài bãi chứa của Vĩnh Tân 1 vẫn còn khả năng tiếp nhận thì bãi tiếp nhận tro, xỉ thải của ba nhà máy còn lại không nhiều. Nếu không có những giải pháp hiệu quả để xử lý mỗi năm thải ra 3-4 triệu tấn, thì với tốc độ chôn lấp hiện nay, các bãi chứa thải sẽ nhanh chóng quá tải và hệ lụy môi trường rất lớn.

Cũng theo báo SGGP, thời gian qua có một số thời điểm trong lúc vận hành các nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Bình Thuận đã gây bất bình cho người dân. Nguyên nhân là do bụi từ tro, xỉ không được xử lý và khối lượng chôn lấp quá lớn đã phát tán ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hằng ngày của các khu dân cư quanh vùng.

Trong khi đó, theo Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Bình Thuận, việc tận dụng tro, xỉ than để làm đường bê tông cũng đang vướng về “tiêu chuẩn quốc gia,” do chỉ mới quy định, hướng dẫn chung, chưa có chỉ dẫn kỹ thuật chuyên ngành nên việc áp dụng triển khai thi công ngoài thực tế phải qua các khâu thí nghiệm trong phòng và tiến hành triển khai công tác thí nghiệm ngoài hiện trường để có sự điều chỉnh phù hợp.

Tro, xỉ than tồn ứ từ các nhà máy nhiệt điện không biết đổ đi đâu. (Hình: Tiến Thắng/SGGP)

Về việc sử dụng tro bay để làm đường bê tông xi măng đầm lăn cũng đang gặp khó, bởi nếu căn cứ TCVN 8825:2011 phụ gia khoáng trong bê tông đầm lăn thì tro bay thay thế phụ gia khoáng có khối lượng rất thấp (chỉ khoảng 5% khối lượng).

Trước tình hình trên, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận bất lực chỉ còn biết ra văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan “tìm nguồn và đối tác để tiêu thụ tro, xỉ than…” và kêu cứu đến Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường, cho biết trong phúc trình kết quả làm việc tại EVN được gửi tới Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN hồi cuối Tháng Mười, 2019, trong số hơn 25 triệu tấn tro xỉ thải ra từ 12 nhà máy điện than của EVN chỉ có khoảng 10 triệu tấn được tiêu thụ, còn 15 triệu tấn tồn đọng tại bãi thải các nhà máy chưa biết đổ đi đâu. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT