Friday, April 26, 2024

Bộ Giáo Dục Việt Nam bác tin ‘nhập khẩu’ giáo dục Phần Lan

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Giáo Dục Việt Nam bác tin “nhập khẩu” giáo dục Phần Lan gây tranh cãi trong bối cảnh một nhà báo quy trách nhiệm cho bộ trưởng khiến nhiều trường sư phạm phải “vét đáy” tuyển sinh.

Những ngày qua, tin Việt Nam dự định “nhập khẩu” giáo dục Phần Lan khiến mạng xã hội xôn xao.

Bàn về vấn đề này, Giáo Sư Nguyễn Tiến Dũng, Đại Học Toulouse, Pháp, cho hay: “Bí quyết quan trọng nhất cho sự thành công của nền giáo dục Phần Lan chính là ở chỗ các giáo viên có trình độ cao (trình độ cao học thực sự) và thu nhập cao (mà không phải làm thêm hay ăn chặn học sinh). Cái đó, Bộ Giáo Dục sẽ không bao giờ học tập được, nên tôi dự đoán là việc nhập khẩu giáo dục Phần Lan sẽ chỉ là một dự án kiếm chác như bao dự án khác.”

Luật Sư Luân Lê có ý kiến trên Facebook: “Nếu không thay đổi gốc rễ vấn đề mà chỉ nhập chương trình giáo dục của nước ngoài về áp dụng cho các em và giữ nguyên mọi nội dung khác như các môn học chính trị và thầy cô đi làm nhiệm vụ chính trị (suốt ngày lo xây dựng con người xã hội chủ nghĩa từ lúc vào mẫu giáo, đến hát ca ngợi lãnh tụ dù mới học tiếng đầu lòng), thì giống như việc một người mặc áo mới hãng Dior, tay cầm túi Hermes mà cởi truồng đi giữa phố nhưng vẫn thấy lâng lâng như đang đi trên sàn catwalk quốc tế vậy.”

Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức nói nền giáo dục Việt Nam “hỏng từ hệ thống nhưng nên sửa từ tuyển sinh.”

Ông Huy Đức viết: “Nhìn các bậc phụ huynh vạ vật chờ con ở các thành phố lớn trong các kỳ thi quốc gia, đủ thấy tuyển sinh phải nên được Bộ Giáo Dục chọn là bước đi đầu tiên của lộ trình cải cách.”

“Có lẽ vì Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ không nhận ra, dự định bỏ biên chế giáo viên của ông chính là nguyên nhân làm cho, năm nay, nhiều trường sư phạm phải ‘vét đáy’ tuyển sinh. Và ông đã rất mâu thuẫn khi vừa muốn ‘bỏ biên chế’ vừa rất ‘quan liêu, bao cấp’ khi chỉ đạo ngành sư phạm muốn nâng cao phẩm chất đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hằng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường.”

Hôm 8 Tháng Chín, trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Vang, cục trưởng Cục Hợp Tác Quốc Tế, Bộ Giáo Dục, bác tin mang “nguyên xi” giáo dục Phần Lan về áp dụng tại Việt Nam.

Ông Vang được báo này dẫn lời: “Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng Giáo Dục Việt Nam và bộ trưởng Thương Mại và Phát Triển Phần Lan không nhắc đến việc ‘nhập khẩu’ chương trình giáo dục Phần Lan mà chỉ đặt vấn đề thúc đẩy dự án hợp tác nhằm đưa giáo dục Việt Nam sớm tiệm cận các nước phát triển.”

Ông Vang gọi đây là “tư duy hội nhập có chọn lọc.”

Trả lời báo Nhân Dân hôm 5 Tháng Chín, Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Bộ Giáo Dục đã có những giải pháp nhằm giảm bớt áp lực, khó khăn trong công việc cho giáo viên: Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, giảm hoặc xóa những quy định về văn bằng, chứng chỉ, các hội thi, cuộc thi mang nặng tính hình thức.”

Ông cũng nói trong năm học 2016-2017, ngành giáo dục sẽ có những bước “đổi mới căn bản, toàn diện nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực, tác động sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục.”

“Giáo dục đại học đẩy mạnh tự chủ, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.”

Theo Bloomberg hồi Tháng Tám, hiện tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có bằng đại học tại Việt Nam là 17%.

Trang này dẫn một trường hợp tốt nghiệp ngành kinh tế từ một trong những trường đại học “tốt nhất Việt Nam” nhưng làm xe ôm tại Hà Nội, với thu nhập khoảng $250 mỗi tháng.

Báo Thanh Niên cùng thời điểm cũng có bài viết về đội ngũ chạy xe ôm Grab Bike tại Sài Gòn và Hà Nội ngày càng trở nên đông đảo với phần “góp sức” của các cử nhân ra trường nhưng không có cơ hội làm đúng ngành nghề. (T.K.)

Điều tra nhóm cảnh sát giao thông Sài Gòn chặn xe đòi tiền mãi lộ

MỚI CẬP NHẬT