Thursday, April 25, 2024

Bờ kè kênh Lò Gốm, đường của các miếu Bà Ngũ Hành ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngày nay đi vô quận 6 Sài Gòn, theo đường Thiệu Trị cũ, nay là Nguyễn Văn Luông, rồi quẹo vô con đường bờ kè kênh Lò Gốm mới mở, du khách có khuynh hướng tín ngưỡng dân gian sẽ hài lòng.

Đoạn đường ngắn vài trăm mét, từ dưới chân cầu Hậu Giang chạy dọc theo bờ kè kênh Lò Gốm, rồi nối với đường chính Nguyễn Văn Luông, nơi đây, có khoảng bảy miếu thờ Bà Ngũ Hành.

Thật ngạc nhiên với việc lập dựng một loạt miếu thờ, bởi trước khi được cải tạo kênh Lò Gốm do Ngân Hàng Thế Giới cho vay vốn, nơi đây chỉ là đời sống cư dân trong các con hẻm sâu, nhà cửa lụp sụp ven kênh nước đen ô nhiễm. Quan sát các miếu thờ thì thấy có cái nhỏ đơn sơ như tủ áo, có cái lớn với mái ngói cửa sắt khép kín; và cách người dân lập miếu tại ngay cửa nhà hay sát quán cà phê; cái miếu nào cũng được chăm chút tượng thờ, bài vị, cờ phướn, nhang đèn… trang trọng.

Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành, rồi hòa quyện vào những tín ngưỡng dân gian đã có trước, người Việt đã đưa thuyết này vào thờ phượng với những nhận định về đức tin thực tiễn, giản dị.

Kênh Lò Gốm ngày nay dù nước vẫn còn ô nhiễm đã có không gian sống tốt hơn trước. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chẳng hạn như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hỏa hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; vùng trồng lúa, trồng màu thì thờ Thổ thần… Theo đó, tín ngưỡng dân gian thờ Bà Ngũ Hành vốn đã là gốc cội bền vững trong lòng người bình dân hay trung lưu Sài Gòn và đó cũng là phần quan trọng của dòng văn hóa tín ngưỡng theo chân người Hoa nhập cư từ xa xưa.

Đứng ở bờ kè kênh Lò Gốm, đường nhỏ, không có xe buýt hay các loại xe tải chở nặng khác, người ta cảm nhận được phần nào đó sự chân thành hướng về văn hóa tâm linh bình dân qua các miếu Bà. Có thể cư dân nơi đây có những nguyện cầu nhỏ nhoi như xin Bà số để đánh đề, hay hành nghề cúng bái, bói toán nhưng phần lớn họ đều có đức tin là Bà linh hiển phò hộ cho họ bình an, may mắn, công việc làm ăn kiếm sống được thuận lợi…

Người Sài Gòn cố cựu vốn là ngươi nhập cư nhưng điểm khác biệt duy nhất giữa dòng người nhập cư cố cựu và người nhập cư sau biến cố 1975 là, người xưa đến đất mới với tâm thức tín ngưỡng mạnh mẽ và bền vững, tín ngưỡng thờ Bà cũng là cách họ thể hiện sự kính trọng lòng biết ơn đối với anh linh từ đất mới.

Dọc theo bờ kè kênh Lò Gốm, phía sau đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 có một đoạn đường ngắn với nhiều miếu thờ Bà Ngũ Hành. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Việc người làm ăn thành đạt, khá giả bỏ tiền ra dựng miếu khang trang hay người nghèo lập miếu đơn sơ là việc thường thấy của người Sài Gòn, thế nên tục thờ Bà đã hiện hữu mà không phân biệt ở phố lớn, đình, chùa hay hẻm nhỏ, ngõ sâu; đó là việc khác hẳn với giới nhà giàu đỏ có gốc Cộng Sản nhập cư sau 1975.

Giới này đang ở trong các khu biệt thự thời thượng có giá hàng trăm ngàn đô la, họ chẳng cần lập miếu, đền nhưng lại đi cúng không tiếc tiền, phần lớn là đồng tiền bất chính đề cầu xin thêm quyền lực, tiền tài tham nhũng… ở các điểm thờ tự gọi chung là tín ngưỡng quốc doanh của chế độ.

Đứng trên cầu ngang nối liền hai bờ kênh Lò Gốm cùng với việc dòng kênh thúi này đã bớt ô nhiễm hơn, người ta còn thấy nhiều cụm chung cư dành cho giới trung lưu, bình dân đang mọc lên. Dù khó tính đến mấy đi nữa thì cũng có cảm giác nơi đây đang có sự hài hòa qua việc kết hợp giữa đời sống hiện đại của lớp dân cư mới với bản sắc người dân cố cựu luôn tôn trọng giữ gìn tín ngưỡng dân gian thờ Bà và các đức tin tâm linh chính thống khác.

Ngày nghỉ, người dân ven kênh Lò Gốm uống cà phê bên cạnh các tòa chung cư mới xây. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Kể từ mùa xuân Mậu Dần 1698, khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam kinh lược. “Lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn…” từ đó đến nay chưa có chế độ nào đập bỏ, thay đổi… các di sản văn hóa, kiến trúc, tâm linh cho bằng chế độ hiện nay. Họ nhân danh phát triển nhưng gần nửa thế kỷ qua, Sài Gòn-Gia Định, các vấn nạn đô thị đã ngày một khủng khiếp hơn; nhưng may mắn thay nhờ khoản vay từ Ngân Hàng Thế Giới mà dân nghèo đô thị ven kênh Lò Gốm có không gian tốt hơn để sống.

Không có gì quá đáng khi cho rằng, nhờ vậy mà một điểm sáng tâm linh, tín ngưỡng dân gian nơi đây được biết đến trong hoàn cảnh các giá trị văn hóa Sài Gòn bị xóa, làm cho biến hoại hay bỏ mặc cho lớp bụi thời gian phai mờ.

Thắp một nén hương hay dâng cúng hoa, quả lên các miếu thờ ở kênh Lò Gốm này hay ở nhiều nơi còn lưu lại miếu, đình, chùa, lăng… có từ ngày xưa hay mới do người thường dân đồng lòng lập nên, điều đó không đơn thuần là bạn tin vào tín ngưỡng dân gian mà trên hết đó là lòng kính trọng anh linh liệt vị tiền nhân, công ơn của bá tánh tứ xứ đã khai phá và tạo dựng nên toàn bộ giá trị đời sống vật chất và tinh thần của xứ Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam. (Trần Tiến Dũng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT