Monday, March 18, 2024

Bộ trưởng Giao Thông CSVN đổi ‘thu phí’ thành ‘thu giá’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Giờ mình xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của nhà nước, liên quan tới Hội Đồng Nhân Dân, Quốc Hội quyết định.”

Phát ngôn này của ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN, khi cho đổi đồng loạt tên các trạm “thu phí BOT” thành “thu giá BOT” ngay lập tức hứng chịu chỉ trích của dư luận.

Cộng đồng mạng càng thêm bực tức khi ông Thể thản nhiên nói các trạm BOT “là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước” trong lúc ai cũng biết ông này khi còn là thứ trưởng Giao Thông Vận Tải đã ký hơn 20 dự án BOT, trong đó có trạm BOT Cai Lậy gây bất bình vào cuối năm 2017.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia Đại Học Fulbright, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Dự án làm đường BOT thì làm gì có cạnh tranh mà có thể để cho doanh nghiệp BOT tự định giá được. Hy vọng ông bộ trưởng chỉ lỡ lời trước báo chí, chứ để doanh nghiệp BOT ‘tự định giá’ thì quá nguy hiểm.”

“Trong một thị trường cạnh tranh với rất nhiều người bán và rất nhiều người mua, giá do thị trường quyết định và nhà nước không cần can thiệp. Nhưng khi chỉ có một người bán (độc quyền) hay ít người bán (độc quyền nhóm), để người bán tự định giá thì họ sẽ tăng giá lên rất cao, gây tổn hại đến phúc lợi xã hội và do vậy nhà nước có thể phải điều tiết giá,” báo này cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN. (Hình: Infonet)

Đa số những chỉ trích nhắm vào ông Thể chỉ xoay quanh chuyện ngôn từ “thu phí” và “thu giá” trong lúc không nhiều người để ý việc Bộ Giao Thông Vận Tải cũng vừa đề nghị bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 70 km giữa hai trạm thu phí nằm kế nhau và bắt buộc phải hỏi ý kiến người dân địa phương về vị trí dự định đặt trạm BOT.

Theo báo Người Lao Động, việc lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo thông tư sửa đổi liên quan đến BOT được tiến hành đến hết ngày 8 Tháng Sáu và dự trù được ký ban hành ngay từ Tháng Bảy, 2018. Nghĩa là sau thời điểm đó, Bộ Giao Thông Vận Tải có thể thoải mái duyệt việc xây dựng thêm các trạm BOT ở các địa phương mà không lo bị công luận phản ứng việc trạm “đặt sai chỗ” hoặc “hai trạm ở khoảng cách quá gần nhau” như trước đây.

Báo Dân Trí cho hay: “Theo Kiểm Toán Nhà Nước, chỉ qua hai lần kiểm tra, đã giảm thời gian thu phí gần hai thế kỷ rưỡi (hơn 247 năm) và 4,515 tỷ đồng ($198.3 triệu). Cụ thể, đợt kiểm tra năm 2016, Kiểm Toán Nhà Nước kiến nghị giảm hơn 127 năm thu phí của 27 dự án. Năm 2017, qua kiểm tra 40 dự án BOT, cơ quan này kiến nghị giảm 120 năm so với phương án tài chính ban đầu. Những con số trên cho thấy BOT nóng, rất nóng là có lý do chính đáng của nó.”

Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Từ khi đảm nhiệm chức danh bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, ông Nguyễn Văn Thể đã giúp dân bớt đi được một khoản phí. Đó là ông chuyển các trạm thu phí BOT sang thành trạm thu giá. Nói ‘được’ là bởi nó tránh bọn dở hơi kêu ca ‘phí chồng phí,’ đã phí đường bộ còn phí BOT. Ô hay, giờ là giá, thu giá chứ đâu phải thu phí! Ngay bây giờ đang có những kỷ lục của kỷ lục: 88 trạm BOT; từ Kon Tum xuống Sài Gòn phải qua 10 trạm thu phí. Không biết sau sửa đổi thông tư thì người dân còn bị bóp nặn như thế nào nữa. Và kinh hoàng nhất từ cái dự thảo sửa đổi này là giờ đây bộ trưởng đang chỉ nhìn dân như những bịch tiền di động chỉ cần nộp chứ không cần mở miệng.” (T.K.)

Passport Việt Nam thua cả Lào và Cambodia

MỚI CẬP NHẬT