Tuesday, March 19, 2024

Cá chết dạt vào bờ Đà Nẵng do mìn hay môi trường ô nhiễm?

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Vụ một tấn cá chết dạt trắng bãi tắm Xuân Thiều, Đà Nẵng, vài ngày qua khiến công luận hoang mang, lo ngại về một thảm họa Formosa có nguy cơ tái diễn.

Hôm 17 Tháng Mười Một, 2018, báo InfoNet dẫn lời ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, khẳng định nguyên nhân cá chết trôi dạt vào bờ “là do người dân dùng thuốc nổ đánh bắt cá mòi trên vịnh Đà Nẵng.”

Trước đó, khoảng 952 kg cá mòi chết (chưa kể lượng cá do người dân tự thu gom) dạt vào bờ đã được Công Ty Môi Trường Đô Thị Đà Nẵng thu gom đem về bãi rác Khánh Sơn. Lượng cá này được ghi nhận trôi dạt vào khu vực bãi biển đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến gần Khu Du Lịch Xuân Thiều từ chiều 10 Tháng Mười Một.

“Số cá này bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và gây khó chịu cho người dân và du khách,” báo Tiền Phong tường thuật.

Báo cáo của ông Thức gửi Bộ Tài Nguyên Môi Trường được báo InfoNet trích dẫn: “Do cá chết trôi dạt lên bờ là cá mòi, không có các loại cá khác bị chết, nên nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển gây nên hiện tượng cá chết được loại trừ. Như vậy, có thể xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết vừa qua là do người dân sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá mòi trên biển trong khu vực vịnh Đà Nẵng.”

Kết luận này được đưa ra sau khi một đoàn công tác liên ngành gồm toàn công chức nhà nước, “tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra và lấy mẫu môi trường nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân hiện tượng cá chết.”

Đáng lưu ý, không có đại diện tổ chức xã hội dân sự hay cơ quan môi trường độc lập nào được tham gia đoàn công tác nêu trên.

Cá chết dạt bờ chủ yếu là cá mòi. (Hình: Tiền Phong)

Trước đó, báo Thanh Niên hôm 15 Tháng Mười Một dẫn lời Thượng Tá Nguyễn Thành Đính, phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng Đà Nẵng, quả quyết: “Qua quá trình tuần tra kiểm soát khu vực và các phương tiện đánh bắt, chúng tôi khẳng định cá chết không phải do đánh mìn.”

“Tại khu vực có cá chết trôi vào bờ, đồn biên phòng Hải Vân luôn tuần tra, kiểm soát rất chặt chẽ, tàu thuyền người dân hoạt động ở đây dày đặc nên không có chuyện đánh mìn. Qua quan sát xác cá chết, không có dấu hiệu bị tổn thương do mìn,” ông Đính được báo này trích lời.

Việc báo chí và Tổng Cục Môi Trường đưa thông tin “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về nguyên nhân khiến cả tấn cá chết dạt vào bờ Đà Nẵng khiến mạng xã hội dấy lên nhiều hoài nghi.

Một số blogger đặt câu hỏi: Mìn ở đâu mà nổ lắm thế và người đánh cá nổ mìn sao lại không chăng lưới vớt cá? Nghi vấn về vụ việc càng tăng cao khi chính quyền không cho xét nghiệm ngay mẫu cá chết và nước biển để điều tra nguyên nhân mà cho công nhân vội vã thu dọn và tiêu hủy.

Việc nhà chức trách tự điều tra rồi tự công bố kết quả vụ cả tấn cá chết dạt vào bờ Đà Nẵng được cho là giống y hệt cách thức xử lý khủng hoảng đối với thảm họa cá chết từng xảy ra ở biển miền Trung hồi Tháng Tư, 2016.

Thời điểm đó, nếu không có các cuộc biểu tình và áp lực của công luận, chưa chắc nhà cầm quyền Việt Nam chịu công bố thủ phạm là Nhà Máy Thép Đài Loan Formosa ở Hà Tĩnh. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT