Thursday, April 25, 2024

Chợ Bến Thành ‘giờ thành cái nhà chứ không phải chợ’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cứ mỗi lần nghe đài, xem thông tin về dịch bệnh COVID-19 mới, các tiểu thương chợ Bến Thành, quận 1, lại não nề vì không biết cảnh đìu hiu sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ.

Theo báo Thanh Niên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 “diễn biến phức tạp,” chợ Bến Thành – ngôi chợ cổ xưa, sầm uất bậc nhất Sài Gòn luôn nằm trong lịch trình thăm viếng của du khách, trở nên thưa vắng đến lạ thường.

Chợ Bến Thành hiện tại ế đến mức có thể nhìn xuyên từ cửa Đông đến cửa Tây do vắng khách. (Hình: Thanh Khương/Thanh Niên)

Những ngày này, bước vào nhà lồng chợ từ các cửa chính hay cửa phụ, nơi nào cũng vắng đến nỗi đứng ở Cửa Tây có thể nhìn xuyên tới Cửa Đông, điều mà khó thấy trước khi dịch bệnh ập đến. Gần như cả năm 2020, các tiểu thương nơi đây ngồi chơi nhiều hơn đứng bán vì thỉnh thoảng mới có khách ghé qua.

Nói với báo Thanh Niên, ông Cường (46 tuổi, ngụ quận 1) bán chè và nước giải khát ở sạp 1038, cho biết: “Lúc trước, khách đông đến chật kín không có chỗ ngồi. Nào là khách du lịch, nào là bạn hàng, làm việc còn không kịp thở thì lấy đâu ra thời gian để nói chuyện như bây giờ. Thời điểm chưa có dịch bệnh, 6 giờ tối khách vẫn còn tấp nập, giờ buổi trưa đã vắng hoe. Cả năm nay như vậy, riết cũng thành quen.”

Bà Oanh (44 tuổi), vợ ông Cường, đứng bán sạp kế bên uể oải nói thêm: “Đi làm bên ngoài mười mấy triệu đồng còn có ngày nghỉ, bán ở đây một ngày chỉ có mấy trăm ngàn đã ‘trầy vi tróc vẩy’ rồi, thế nhưng không dám nghỉ vì nghỉ rồi thì biết làm cái gì? Giờ tôi chỉ còn biết thắt chặt chi tiêu của cả gia đình và đợi dịch bệnh qua đi.”

Trong khi đó, gia đình bà Xuân (50 tuổi, ngụ quận 4) có đến sáu sạp bán hàng ăn uống nằm kề nhau trong chợ, với khoảng 20 con cháu trong nhà phụ giúp để mua bán. Thế nhưng, nay vì dịch bệnh phải đóng cửa đến bốn sạp. Hiện giờ chỉ còn ba người cháu phụ bán để cố gắng duy trì hai sạp.

“Vừa ‘giãn cách xã hội’ xong là đóng cửa một loạt bốn sạp vì ế quá chừng. Các cô, các dì nghỉ bán ở chợ thì còn về bán trước nhà nên cũng có đồng ra đồng vô. Còn khu nhà tôi là xóm lao động, nên bán ai mà ăn. Số lượng khách giảm đến 90%, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì để vừa giữ chân bạn hàng, vừa gánh thuế bớt cho mấy sạp đã đóng cửa,” bà Xuân nói.

“Thu nhập trước và trong dịch chênh lệch lớn lắm, chẳng hạn trước đó bán được 5 triệu đồng/ngày ($216), thì giờ chưa được 1/10. Trừ thuế, hoa chi, tiền chợ búa, tiền rác, tiền điện còn bị lỗ,” bà Xuân cho biết thêm.

Xung quanh bà Xuân, cứ cách một sạp lại có vài sạp được che đậy kín mít, bên trên phủ lớp bụi dày chứng tỏ chủ sạp đã đóng cửa sạp từ lâu.

“Ở đây giờ thành cái nhà chứ không phải cái chợ. Bán buôn mà không có khách nên rất oải, năm nay định rằng ăn chay chứ không còn là ăn Tết,” bà Xuân hài hước nói.

Buôn bán ế ẩm nên nhiều sạp đóng cửa chờ qua dịch bệnh. (Hình: Thanh Khương/Thanh Niên)

Không chỉ bên trong nhà lồng chợ Bến Thành, các cửa hàng bán đồ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Bà Tuyết Lan (50 tuổi, ngụ quận 10), chủ một cửa hàng bán tơ lụa, cho biết: “Năm nay giảm khoảng 50% doanh thu từ khách du lịch, giờ chỉ còn được khoảng 50% khách là người ngoại quốc làm việc ở Sài Gòn đến mua sắm là mừng lắm rồi. Do vậy, tiểu thương ngoài chợ nếu chỉ trông chờ vào mỗi khách du lịch không thôi, thì nay chẳng sống nổi đâu.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT