Friday, April 19, 2024

CSVN đang giam giữ ít nhất 239 tù nhân lương tâm

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN hiện đang giam giữ ít nhất 239 tù nhân lương tâm, theo báo cáo năm 2019 của tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defend the Defenders) về tù nhân lương tâm, công bố ngày 1 Tháng Giêng, 2020.

Con số vừa kể là gồm cả “trường hợp nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, người đã bị kết án 33 tháng tù giam nhưng hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ” Và “238 người còn lại đang bị giam giữ trong điều kiện vô cùng tồi tệ ở nhiều nhà tù khắp đất nước và xa gia đình của họ.”

Nhà cầm quyền CSVN xưa nay luôn luôn chối là không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Hàng năm, hàng chục người bị bắt rồi vu cho họ “tuyên truyền chống nhà nước,” “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” hoặc “âm mưu lật đổ” với các bản án rất nặng dù hiến pháp của chế độ công nhận đủ mọi thứ quyền tự do căn bản.

Theo tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền qua bản báo cáo nói trên, có 48 tù nhân lương tâm bị kết tội hoặc đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc “lật đổ,” 37 người về “tuyên truyền chống nhà nước,” 57 người thuộc nhiều sắc dân thiểu số về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc,” 7 người về “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” 13 người về “phá hoại an ninh,” 48 người về “gây rối trật tự công cộng” và 2 người bị kết tội khủng bố. Tội danh của 10 người không được công bố.

Riêng trong năm 2019, CSVN bắt giữ 39 người hoạt động trong nước và công dân Úc (Châu Văn Khảm), 32 trong số họ bị cáo buộc theo các tội danh thuộc phần An Ninh Quốc Gia của Bộ Luật Hình Sự (BLHS). Nạn nhân mới nhất của các vụ bắt giữ độc đoán này là nhà báo tự do Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam. Ông bị bắt giữ vào Tháng Mười Một sau khi gửi thư cho Quốc Hội Châu Âu kiến nghị không phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA).

Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền cho hay, 21 Facebooker bị bắt trong năm 2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì viết và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ đa nguyên hay chỉ trích chính quyền hoặc đơn giản chỉ là nêu ra các vấn đề của xã hội như tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Họ bị bắt sau khi Luật An Ninh Mạng có hiệu lực, tuy nhiên, các cáo buộc chống lại họ không liên quan đến luật này.

Cũng trong năm ngoái, nhà cầm quyền CSVN đã kết án tù 38 người hoạt động trong nước và 2 người nước ngoài, ông Michael Minh Phương Nguyễn – công dân Hoa Kỳ, và ông Châu Văn Khảm – công dân Australia, với tổng mức án là 207 năm 6 tháng tù giam và 47 năm quản chế.

Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền thống kê cho thấy 22 trong số các tù nhân lương tâm là nữ và là người thuộc dân tộc Kinh. Tổng cộng, 166 người, tương đương 72.4% trong danh sách, là người dân tộc Kinh. Nhóm sắc tộc lớn thứ hai trong danh sách là người Thượng, một nhóm các dân tộc thiểu số và tôn giáo sống ở vùng núi của Tây Nguyên. Số tù nhân lương tâm người Thượng là 58, chiếm 24.7% danh sách. Trong danh sách còn có 6 người H’mong và 2 người là Khmer Krom.

Chính phủ Hoa Kỳ và Liên Âu thường xuyên có các cuộc đối thoại nhân quyền với chế độ Hà Nội nhưng không có mấy tác dụng. Hà Nội tảng lờ khi bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án CSVN làm ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền cũng như kêu gọi trả tự do cho các người bị bắt giữ hay cầm tù.

Vào ngày 14 Tháng Giêng, 2020 tới đây, 8 người của “Nhóm Hiến Pháp” sẽ bị đưa ra tòa kết án có thể đến 15 năm tù vì bị vu cho tội “phá rối an ninh.” Họ được gọi là “Nhóm Hiến Pháp” vì tự in các bản hiếp pháp của chế độ rồi phân phát cho mọi người hiểu các quyền tự do căn bản công dân của mình. (TN)

MỚI CẬP NHẬT