Thursday, April 25, 2024

Việt Nam muốn Nhật ‘chống lưng’ để khai thác dầu khí Biển Đông

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN có vẻ muốn dựa vào các công ty Nhật với sự chống lưng của Tokyo để tiến hành khai thác dầu khí trên Biển Đông.

Sau nhiều lần các đối tác quốc tế bỏ chạy trước các áp lực của Bắc Kinh, những tin tức mấy ngày đầu năm 2021 được tờ South China Morning Post (SCMP) cho hay nhiều phần các công ty Nhật sẽ tiến hành khoan tìm dầu khí tại các lô 05-1B và 05-1C thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn.

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc chặn tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Tuy trên mặt luật pháp quốc tế, các lô đó nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại vướng cái vạch chủ quyền 9 đoạn nối lại giống hình “lưỡi bò” mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố để cản trở các nước khác khai thác dầu khí.

Thật ra, tin trên tờ SCMP hôm 4 Tháng Giêng, 2021, chỉ là hâm lại những tin tức đã có từ Tháng Mười Một năm ngoái, cộng thêm những lời bình luận mới của một số chuyên viên quốc tế.

Ngày 25 Tháng Mười Một, 2020, tạp chí chuyên về thông tin dầu khí quốc tế Energy Voice từng dự báo hai mỏ dầu khí mà các công ty Nhật được đối tác Việt Nam nhượng quyền khai thác có thể trở thành điểm tranh chấp gay gắt trên Biển Đông khi Bắc Kinh vin vào cái “lưỡi bò” để phá đám.

Hai mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt nằm trong lô 05-1, dọc theo cái vạch “lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng tòa trọng tài quốc tế ở The Hague đã phán quyết những cái vạch ấy “không có giá trị” hồi Tháng Bảy, 2016.

Mấy năm vừa qua, Bắc Kinh đưa nhiều loại tàu, phần lớn là các tàu hải cảnh và tàu đánh cá “dân quân biển” tới quấy nhiễu, cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. Nhiều tháng trời liên tiếp trong năm 2019, nhóm tàu Trung Quốc quấy rối hoạt động khoan tìm dầu khí ở lô 06-1 thuộc bãi Tư Chính. Hành động đó chỉ chấm dứt khi giàn khoan Hakuryu mà nhà thầu Nga Rosneft thuê, ra khỏi khu vực.

Bây giờ nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng Bắc Kinh khi thấy có hoạt động kinh tế nào nằm trong cái “lưỡi bò” là Bắc Kinh không để yên. Hiện nay là chuyện của các mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt nằm trong lô dầu khí 05-1, cách Vũng Tàu chưa tới 200 hải lý.

Theo ông Greg Poling viết trên Twitter ngày 1 Tháng Tám, 2018, lô dầu khí 05-1 của Việt Nam nằm trong cái vạch “lưỡi bò”. (Hình: Greg Poling/Twitter)

Một số tin tức trên truyền thông quốc tế nói, sợ Bắc Kinh vẫn bám theo cản trở, công ty Jadestone ở Singapore được đẩy ra khỏi dự án khai thác tại lô 05-1. Nếu chỉ có các đối tác Nhật Bản tham gia thì sẽ dễ cho Hà Nội và Tokyo phối hợp đối phó trước sự kiếm chuyện của Bắc Kinh.

Công ty Nhật Inpex có phần hùn trong lô nói trên qua công ty con Teikoku Oil bội ước thỏa thuận bán 30% cổ phần cho Jadestone với giá $14.3 triệu đô la hồi năm 2016. Jadestone đi kiện và đã đạt thỏa thuận bồi thường vào Tháng Mười Một, 2020. Bây giờ nắm giữ cổ phần chính của 05-1B và 05-1C là các công ty Nhật Idemitsu and JX Nippon cùng với đối tác Việt Nam.

Theo ông Greg Poling, chuyên viên về Biển Đông, giám đốc chương trình Asia Maritime Transparency Initiative thuộc tổ chức CSIS ở Hoa Thịnh Đốn nhận định trên SCMP: “Theo trí khôn bình thường thì Hà Nội đã yêu cầu Inpex hủy giao kèo bán cho Jadestone vì họ tin rằng các công ty Nhật sẽ chống lại các áp lực như của Trung Quốc để có thể tiến đến khai thác.”

Hai năm trước, khi có tin hãng dầu khí quốc doanh Petro Vietnam ký hợp đồng nhượng quyền khai thác các mỏ tại lô 05-1B và 05-1C từ năm 2020 cho hai công ty Nhật là Idemitsu Kosan và Teikoku Oil, ông Poling từng cho rằng hai lô này nằm trong cái vạch “lưỡi bò,” không xa lắm với lô 06-1 (công ty Nga Rosneft khai thác) và các lô 07/03 và 136/03 là công ty Repsol khoan tìm. Nhưng ông Bill Hayton, chuyên viên về Biển Đông của Anh Quốc cho rằng lô 05-1 nằm ở phía Tây của cái vạch “lưỡi bò” chứ không nằm bên trong vạch như cách nhìn của ông Poling.

Ông Bill Hayton, nhà phân tích người Anh, nói lại với ông Poling trên Twitter là cái lô 05-1 đó nằm phía Tây của “lưỡi bò”. (Hình: Bill Hayton/Twitter)

Dù sao, Nhật cũng phải đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku trên vùng biển Hoa Đông, trong khi Việt Nam thì đối phó với Bắc Kinh trên Biển Đông, Hà Nội và Tokyo là các đối tác chiến lược mà những năm gần đây trở nên thân thiết hơn vì phải chống lại tham vọng đế quốc bành trướng của Bắc Kinh.

Mối quan hệ Hà Nội-Tokyo lại được tăng cường thêm khi tân Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga thăm Việt Nam chỉ ít ngày mới lên nắm quyền hồi năm ngoái, hứa hẹn hợp tác an ninh quốc phòng chặt chẽ hơn, kể cả chuyển giao võ khí và kỹ thuật quân sự.

Hà Nội hy vọng rằng, sự gia tăng hợp tác quốc phòng giữa hai nước dẫn đến sự hậu thuẫn cho các công ty Nhật hoạt động bất chấp áp lực của Bắc Kinh.

Biển Đông năm nay sẽ dậy sóng vì dầu khí hay sẽ êm hơn năm 2020, mới chỉ có ba bốn ngày bắt đầu năm mới. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT