Tuesday, April 23, 2024

CSVN giành độc quyền đào tạo báo chí cho trường công

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lâu nay ai cũng biết nhà cầm quyền CSVN kiểm soát triệt để lĩnh vực truyền thông, nhưng đây là lần đầu tiên, đảng công khai chuyện “nắm thóp” ngay từ khâu đào tạo ngành báo chí.

Hôm 20 Tháng Ba, báo VietNamNet dẫn văn bản của Bộ Giáo Dục Đào Tạo CSVN phản hồi yêu cầu mở ngành học báo chí của Trường Đại Học Kinh Tế Tài Chính TP.HCM, một trường tư thục ở Sài Gòn, rằng: “Đào tạo bồi dưỡng báo chí chủ yếu là trong nước dưới sự thống nhất của đảng và sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục. Bộ Giáo Dục Đào Tạo yêu cầu các trường thực hiện đúng nội dung trên.”

Trường Đại Học Kinh Tế Tài Chính TP.HCM được biết đến là trường tư thục. (Hình: Trang web Đại Học Kinh Tế Tài Chính TP.HCM)

Sự việc diễn ra trong bối cảnh báo chí-truyền thông được ghi nhận là ngành học đang thu hút nhiều học sinh muốn thi vào, khiến điểm tuyển sinh của ngành này bị đẩy lên cao chót vót. Thậm chí, khoa Báo Chí của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM hồi năm ngoái lên đến 27.5 điểm (trung bình mỗi môn phải hơn 9 điểm), theo ghi nhận của báo Zing.

Theo VietNamNet, hiện Việt Nam có chín trường công lập đào tạo ngành báo chí gồm: Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền, Trường Đại Học Khoa Học (thuộc Đại Học Thái Nguyên), Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội), Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội, Trường Đại Học Văn Hóa Nghệ Thuật Quân Đội, Trường Đại Học Vinh, Trường Đại Học Khoa Học (thuộc Đại Học Huế), Trường Đại Học Sư Phạm (thuộc Đại Học Đà Nẵng) và Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (thuộc Đại Học Quốc Gia TP.HCM).

Báo VietNamNet cho biết thêm rằng trước đây, một số trường tư thục cũng đào tạo liên quan tới báo chí “gây lùm xùm trong tuyển sinh” như Trường Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng đào tạo chuyên ngành văn báo chí.

Oái oăm là trong lúc báo chí trở thành ngành học thu hút nhiều học sinh muốn thi vào, các cơ quan truyền thông nhà nước ở Việt Nam đang trong tình cảnh lao đao vì doanh thu từ quảng cáo giảm rõ rệt, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu.

Theo bản tin của tờ Tuổi Trẻ hồi Tháng Mười Hai, 2020, doanh thu nhiều tòa soạn báo “giảm đến 70%.”

Khoa báo chí hiện chỉ có tại các trường công. (Hình: Nhân Dân)

Việc doanh thu từ quảng cáo sa sút khiến nhiều tòa soạn phải cắt giảm lương, thưởng của phóng viên. Trong bối cảnh đó, báo đảng ghi nhận hàng loạt trường hợp phóng viên tống tiền doanh nghiệp hoặc cưỡng đoạt tiền của người dân để “kiếm thêm.”

Hồi trung tuần tháng trước, tờ Tuổi Trẻ cho hay, ông Nguyễn Đức Chung, phóng viên báo Nhân Dân, bị công an khởi tố vì hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ Luật Hình Sự CSVN.

Cụ thể, ông Chung bị công an bắt quả tang đang nhận 20 triệu đồng ($870) của ông Nguyễn Văn Toan ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, để không đăng bài trên báo về việc ông Toan khai thác đất trái phép. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT