Wednesday, May 15, 2024

CSVN loay hoay chống chọi suy giảm kinh tế do COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền trung ương CSVN thúc các địa phương cả nước “đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời tránh để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch.”

Hôm Chủ Nhật, tờ Lao Động dẫn lệnh từ ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói như thế nhân vụ nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh không cho phép tàu du lịch Aida Vita (quốc tịch Ý) cập cảng tại thành phố Hạ Long. Đồng thời cũng “không cho hành khách và thủy thủ đoàn lên bờ tham quan các điểm du lịch trên bờ và Vịnh Hạ Long.”

Theo tờ Lao Động “Tàu chở hơn 1,116 khách Châu Âu (95% quốc tịch Đức, không có Châu Á), xuất phát từ Bali, Indonesia ngày 17 Tháng Giêng, qua chín cảng (không có Trung Quốc, Hồng Công), vì bị từ chối nhập cảnh Hạ Long nên tàu đã quyết định hủy toàn bộ ba cảng còn lại của Việt Nam là Đà Nẵng (15 Tháng Hai), Nha Trang (17 Tháng Hai) và Sài Gòn (18 Tháng Hai).”

Thấy mất mối kiếm tiền từ doanh du lịch, báo chí tại Việt Nam đưa tin ông Vũ Đức Đam “yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về sự việc nêu trên.” Đồng thời ông cũng “yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các xhỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo của thủ tướng chính phủ về tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra các trường hợp tương tự như trên.”

Giữa tuần trước, VNExpress cho hay “Việc dừng các chặng Trung Quốc khiến các hãng bay Việt mất 400,000 khách một tháng, thiệt hại ban đầu hơn 10,000 tỷ đồng.”

Tuy lo chống dịch COVID-19, kiểm soát chặt chẽ người qua lại biên giới, cách ly cả người bị lây nhiễm với cả người tiếp xúc với người bị lây nhiễm, CSVN vẫn cho xe tải chở hàng qua các cửa khẩu dọc theo biên giới với Trung Quốc.

Thanh long rớt giá, ứ hàng ở Long An. (Hình: Báo Thanh Niên)

Hôm Thứ Bảy, báo chí trong nước cho hay Bộ Công Thương CSVN “cho biết hiện chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã đồng ý khôi phục lại từng phần hoạt động thương mại hàng hóa tại biên giới. Đồng thời giao các cấp chính quyền địa phương thống nhất với chính quyền địa phương giáp biên phía Việt Nam về thời gian và phương thức thực hiện trên cơ sở bảo đảm thực thi nghiêm túc và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.”

Cho nên “Bộ Công Thương đề nghị Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh biên giới phía Bắc cho phép thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa theo quy định qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu

phụ trên cơ sở áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới theo hướng dẫn của Bộ Y Tế.”

Mới một ngày trước đó tức ngày Thứ Sáu, 14 Tháng Hai, người ta thấy Bộ Công Thương CSVN “kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.”

Những ngày vừa qua, người ta thấy tin hàng trăm xe tải chở nông phẩm xuất cảng sang Trung Quốc, đặc biệt thanh long, dưa hấu nằm kẹt tại các cửa khẩu vì không được phép thông quan. Giới nông dân đang có những nông trại chờ bán hàng, sống trong hãi hùng khi nhìn thấy thua lỗ sạt nghiệp trước mặt.

Báo chí trong nước mấy ngày gần đây đưa tin sáng kiến làm bánh mì bằng bột mì pha trái thanh long bán ở Sài Gòn nhằm “giải cứu” nông dân. Người tại một số địa phương, cả Hà Nội, được cho không dưa hấu do một số mạnh thường quân mua ủng hộ rồi phát lại, hoặc bán với giá rất rẻ.

Theo tin của VNExpress, không những ngành nông nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng, “Hàng trăm công ty đóng cửa, cả nghìn người mất việc và sắp tới còn nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất” do hệ quả của dịch COVID-19.

VNExpress dẫn báo cáo của Bộ Lao Ðộng – Thương Binh và Xã Hội nói “30 tỉnh, thành có 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 30 hợp tác xã và gần 300,000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Chưa kể, hơn 1,000 lao động tại 22 tỉnh, thành bị mất việc, trong đó, hơn một phần ba đến từ ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, 10% là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.”

Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho hay “quá phân nửa thành viên của tổ chức có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giữa tuần trước, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN ước tính “nếu dịch COVID-19 kéo dài tới quý II, tăng trưởng năm 2020 có thể chỉ 5.96% – mức thấp nhất trong 7 năm gần đây.” Nhưng nếu dịch còn kéo dài hơn nữa, kinh tế Việt Nam sẽ còn tồi tệ hơn. (TN)

MỚI CẬP NHẬT