Friday, April 26, 2024

CSVN muốn quản lý việc ‘chơi hụi’ của người dân

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tin cho hay Bộ Tư Pháp CSVN vừa trình chính phủ dự thảo nghị định mới về chơi hụi “nhằm khắc phục tình trạng vỡ hụi gây thiệt hại cho người tham gia.”

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Giêng, dự thảo nghị định nêu trên có một số quy định: Lãi suất hụi phải “không quá 20% mỗi năm”; kỳ hụi có giá trị trên 100 triệu đồng ($4,333) thì chủ hụi “phải thông báo cho Ủy Ban Nhân Dân cấp xã, phường quản lý”; Ủy Ban Cấp Xã “phải thống kê thông tin về chủ hụi, thời gian bắt đầu và kết thúc dây, giá trị của kỳ mở, tổng số thành viên của kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên.”

Ngoài ra, một người chỉ được làm chủ hụi của một hoặc nhiều dây tại cùng một thời điểm với tổng giá trị các dây hụi không quá 200 triệu đồng ($8,666) hoặc “không quá hai dây tại cùng một thời điểm.”

Dự thảo nghị định về chơi hụi cũng cảnh báo chủ hụi và các thành viên có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc giới chức Bộ Tư Pháp CSVN “cất công” ngồi soạn dự thảo nghị định về chơi hụi không được giới luật sư đánh giá cao. Có ý kiến cho rằng những hoạt động vay mượn dân sự như chơi hụi thì không nhất thiết phải ban hành thêm quy định để quản lý vì đã có Bộ Luật Dân Sự quy định và đã có khung pháp lý về việc này.

Mặt khác, dự thảo nghị định về chơi hụi được cho là “thừa thãi” vì khi xảy ra một vụ vỡ hụi, người chơi hụi có thể kiện ra tòa hoặc tố cáo đến cơ quan công an về hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm…

Lâu nay việc chơi hụi được ghi nhận là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam hoạt động theo kiểu tự thỏa thuận với nhau và thường do phụ nữ thực hiện. Trước đây, việc chơi hụi chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ quyền lợi nhưng kể từ năm 2006 đã có một nghị định quy định hướng dẫn về việc chơi hụi.

Người chơi hụi chủ yếu dựa vào niềm tin cá nhân về uy tín, vị thế chủ hụi để quyết định có tham gia một dây hụi hay không. Do vậy, việc nhà cầm quyền CSVN tính chuyện quản lý chuyện chơi hụi của người dân bằng luật, rồi xác thực, đăng ký ở phường xã là chuyện không khả thi.

Nếu một vụ vỡ hụi xảy ra, Ủy Ban Nhân Dân phường, xã cũng không có cơ sở pháp lý để phân xử. Hơn nữa, việc chơi hụi nếu tổ chức bài bản thì thành mô hình ngân hàng.

Cũng cần nhắc lại, hồi cuối năm 2017 tại tỉnh An Giang xảy ra một chuyện cười ra nước mắt vì một vụ vỡ hụi “có yếu tố đảng viên”: Ông Võ Thanh Hải, phó bí thư thường trực Đảng Ủy, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân xã Mỹ An bị cách hết các chức vụ và khai trừ đảng do bà vợ của ông này gây ra vụ vỡ hụi. Thời điểm đó, báo Lao Động cho hay, bà Nguyễn Thị Nhung, vợ ông Hải đứng ra làm chủ hụi và vận động nhiều cán bộ trong xã tham gia chơi hụi, góp tiền từ 500,000-5 triệu đồng ($21.6-$216), thông qua 63 dây hụi với lượng hụi viên “lên đến hàng trăm người.”

Tờ báo nói bà Nhung “không trả tiền cho các hụi viên và còn thách thức các hụi viên đi thưa kiện.”

Vụ vỡ hụi của chủ hụi có chồng là đảng viên này được ghi nhận gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng ($433,300). Vì để vợ làm chủ hụi, ông Hải bị xác định “vi phạm quy định của Bộ Chính Trị CSVN” và “không còn xứng đáng là đảng viên.” (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT