Friday, April 26, 2024

CSVN: ‘Nhiều nhà đầu tư nước ngoài’ muốn đấu thầu cao tốc Bắc-Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong lúc công luận vẫn đang nghi ngờ rằng nhà thầu Trung Cộng được chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN vừa loan báo “hàng chục nhà đầu tư, trong đó nhiều đơn vị nước ngoài” gửi hồ sơ ghi danh tham gia xây cao tốc Bắc-Nam và dự án này “khắc phục được các nhược điểm của BOT.”

Ông Nguyễn Viết Huy, vụ phó Vụ Đối Tác Công-Tư (PPP), được báo Zing dẫn lời: “Hiện các gói dự án của cao tốc Bắc-Nam đã nhận được 80 hồ sơ sơ tuyển của các nhà đầu tư, trong đó dự án cao nhất có khoảng 17 nhà đầu tư đăng ký, thấp nhất khoảng sáu nhà đầu tư. Trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha, Singapore… Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ khắc phục được những tồn tại trong việc thu phí BOT như vừa qua. Cao tốc này sẽ áp dụng thu phí kín, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu, đảm bảo công bằng tuyệt đối cho người dân và doanh nghiệp. Quốc hội đã thông qua mức phí từ 1,500 đến 3,400 đồng ($0.06-0.15)/xe/km.”

Cũng theo báo Zing, vòng đấu thầu sẽ có tối đa 5 nhà đầu tư. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư, về nguyên tắc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN “được phép chỉ định thầu” nhưng “sẽ báo cáo lên chính phủ để xin phương án.”

Sau khi hoàn tất đấu thầu, bộ dự trù sẽ ký hợp đồng với nhà đầu tư đầu tiên vào Tháng Tư, 2020.

Dư luận có căn cứ để lo ngại về chuyện nhà thầu Trung Cộng cuối cùng sẽ được CSVN chỉ định thầu cao tốc Bắc Nam trong lúc nhà thầu các nước khác chỉ đóng vai trò “chân gỗ” trong việc đấu thầu các dự án thuộc tuyến đường huyết mạch này. Bởi lẽ trước đó, ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN, được một loạt báo trích lời: “Doanh nghiệp trong nước không có khả năng tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, trong khi nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm.”

Trong vụ này, dường như các báo nhà nước được phép dẫn lời chuyên gia dè dặt bày tỏ quan ngại về nhà thầu Trung Cộng. Báo Dân Trí hôm 18 Tháng Năm dẫn lời Tiến Sĩ Huỳnh Thế Du: “Ví dụ Việt Nam tiếp nhận các nguồn vốn ODA của Đức, Pháp, Nhật, chỉ cần chúng ta phân tích lợi ích của nguồn vốn này A, B, C. Nhưng với nguồn vốn của Trung Quốc, chúng ta phải chọn thêm rủi ro D nữa. Đại khái, nếu chi phí lợi ích trừ đi rủi ro, ra con số dương, thấy hiệu quả thì nên triển khai, còn nếu chi phí rủi ro lớn hơn lợi ích thì chúng ta không nên triển khai.”

Tuy vậy, ông Du cũng nói thêm: “Nhiều dự án vay ODA và dự án đầu tư công của Việt Nam đều có trục trặc. Những phát sinh hệ quả xấu liên quan đến vốn và dự án Trung Quốc chính là do chính sách và năng lực quản lý của Việt Nam. Nếu chúng ta không có cái nhìn toàn diện, không giải quyết được đâu là nguyên nhân thì càng tạo làn sóng phải đối những gì liên quan đến Trung Quốc ngày càng lớn ở Việt Nam.”

Hôm 8 Tháng Năm, một lá thư ngỏ viết tay của Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đại sứ Cộng Sản Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, lên tiếng về tuyến cao tốc Bắc-Nam được lan truyền rộng khắp mạng xã hội.

“Tôi xin hỏi các tướng lĩnh, chỉ huy lãnh đạo quân đội, đã am hiểu cả về chiến lược chiến thuật, các vị nghĩ sao? Chẳng lẽ không chút lo lắng, không nhận thấy hiểm họa đối với an ninh quốc phòng nếu để Trung Quốc làm đường Bắc –Nam và vay vốn Trung Quốc ư? Tôi tha thiết mong các cựu chiến binh lão luyện trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, hãy quan tâm và nêu ra ý kiến về nguy cơ này. Đừng thờ ơ!,” ông Vĩnh viết trong thư. Đến nay, lá thư của ông Vĩnh đã không nhận được hồi đáp của các quan chức và rơi vào vô vọng.

Theo báo VNExpress, 11 dự án cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118,000 tỷ đồng (hơn $5 tỷ), phần vốn nhà nước CSVN tham gia là 55,000 tỷ đồng ($2.35 tỷ) đầu tư cho ba dự án đầu tư công; trợ giúp toàn bộ công tác giải tỏa mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để bảo đảm tính khả thi của các dự án. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT