Friday, April 26, 2024

CSVN sẽ xét cả ‘quốc phòng, an ninh’ khi cấp phép đầu tư

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Bộ Chính Trị yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định ‘điều kiện về quốc phòng, an ninh’ trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án FDI.”

Tờ Người Lao Động hôm Thứ Sáu cho biết như trên, và nói ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, vừa ký ban hành “Nghị quyết của Bộ Chính Trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.”

Nghị quyết được đưa ra khi dư luận trong nước thời gian gần đây nêu những quan ngại của một số chuyên viên khi thấy tin một số công ty Trung Quốc hăm hở nhảy vào thầu xây dựng cao tốc Bắc Nam của Việt Nam. Vào lúc này, lực lượng trên biển của Việt Nam cũng đang đối phó với lực lượng Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính.

Theo tờ Người Lao Động cho biết, nguyên nhân thúc đẩy Bộ Chính Trị CSVN đòi nhà cầm quyền trung ương “nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện về quốc phòng, an ninh” khi cho phép tư bản nước ngoài kiếm ăn tại Việt Nam, thấy rằng “hiện tượng chuyển giá, đầu tư ‘chui,’ đầu tư ‘núp bóng’ ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng,” hoặc là qua “dự án đầu tư mới,” hoặc là qua hình thức “góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.”

Bời vậy, Bộ Chính Trị CSVN đòi nhà cầm quyền trung ương “xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”

Lần đầu tiên, người ta thấy CSVN công khai nói đến một chủ trương như thế, vốn là một đề tài nhạy cảm. Hơn một năm trước, ngày 10 Tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn người đã biểu tình tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Tây Ninh, Biên Hòa, Ninh Thuận… chống Luật Đặc Khu Kinh Tế biến ba khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thành những “lãnh địa” của Trung Quốc.

Hàng ngàn người biểu tình tập trung bên ngoài một nhà máy Trung Quốc ở tỉnh Bình Dương, Việt Nam, hôm 14 Tháng Năm, 2014. Tại đây, những người biểu tình chống Trung Quốc đốt cháy hơn một chục nhà máy Trung Quốc. (Hình: VNExpress/AFP/Getty Images)

Hơn 100 người tham gia biểu tình đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù, nhưng trước áp lực của quần chúng, dự luật phải đình hoãn và không biết có thể sẽ lôi ra biểu quyết lại trong những khóa họp quốc hội kế tiếp hay không. Tuy nhiên, gần đây có tin tỉnh Kiên Giang xin thôi không làm “đặc khu kinh tế” tại Phú Quốc nữa mà chỉ muốn nâng hòn đảo có kỹ nghệ nước mắm và du lịch thành “thành phố.”

Trước đây, người ta từng thấy có tin người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam mua các bè nuôi cá tại vịnh Cam Ranh, nơi có quân cảng với căn cứ tàu ngầm lớp Kilo, hoặc họ được cấp phép xây dựng khách sạn ở các địa điểm nhìn xuống cả vịnh Đà Nẵng. Mấy năm trước nữa là tin người Trung Quốc đầu tư “trồng rừng” trên rất nhiều tỉnh. Các loại dự án đầu tư vừa kể ảnh hưởng nhiều đến an ninh quốc phòng, bị dư luận chống đối kích liệt.

Đó là không kể những vụ người Trung Quốc “mua chui” những nhà cao tầng gần cơ sở quân sự của Việt Nam thấy báo chí trong nước không ít lần đề cập, ồn ào được vài ngày rồi cũng chìm xuồng.

Bản tin nói trên của tờ Người Lao Động kể rằng “Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, năm 2009, vốn FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 1.1% tổng số vốn FDI vào Việt Nam với $180.4 triệu và tăng lên $2 tỉ vào 2012. Chỉ 5 năm sau đó, năm 2017, vốn từ Trung Quốc tăng gấp 5 lần, lên $10 tỉ. Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với $1.78 tỉ, chiếm 21.6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Xếp thứ 2 là Hàn Quốc với gần $1.5 tỉ; tiếp đến là Nhật Bản $1.1 tỉ; Hồng Kông $991,6 triệu; Singapore $942.9 triệu…”

Báo chí quốc tế cho hay rất nhiều công ty Trung Quốc chạy sang Việt Nam mở cơ sở sản xuất để tránh thuế quan trừng phạt khi xuất cảng sản phẩm sang Mỹ. Đó là một trong những lý do chính người ta thấy Trung Quốc là nhà đầu tư “lớn nhất” tại Việt Nam của những tháng đầu năm nay.

Bây giờ, Hà Nội còn phải lo cả chuyện “đồng chí anh em” phương Bắc có ngày trở mặt. (TN)

MỚI CẬP NHẬT