Friday, April 26, 2024

CSVN và Trung Quốc lại tuyên truyền kiểu ‘ông nói gà, bà nói vịt’

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Đại sứ CSVN gặp bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh được guồng máy tuyên truyền hai nước đưa tin kiểu “ông nói gà bà nói vịt.”

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) và Tân Hoa Xã hôm Thứ Hai, 31 Tháng Tám, đều có bản tin tường thuật cuộc gặp mặt của Đại Sứ CSVN tại Bắc Kinh Phạm Sao Mai với Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa, diễn ra cùng ngày, tại “Lầu Bát Nhất” (tức trụ sở Bộ Quốc Phòng Trung Quốc), Bắc Kinh.

Dân chúng Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Nội dung của hai bản tin không tiết lộ gì nhiều về chủ đích của cuộc gặp mặt, Hà Nội chuyển thông điệp gì cho Bắc Kinh. Bề ngoài, ít ra cho người ta thấy diễn dịch quan điểm về mối bang giao giữa hai nước Cộng Sản anh em ở bên cạnh nhau “núi liền núi, sông liền sông” có “16 chữ vàng” và “4 tốt,” lúc nào cũng vẫn “vừa xây, vừa chống.” Nói khác, vẫn “bằng mặt” mà “không bằng lòng.”

Cuộc gặp mặt diễn ra “trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn duy trì đà phát triển ổn định mặc dù đều phải chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19,” TTXVN viết.

Tuy nhiên, bản tin này lờ đi “bối cảnh” các cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông liên tiếp những tuần qua, kể cả bắn hỏa tiễn diệt hạm tầm xa mà Hà Nội cũng cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao phản đối.

CSVN cũng đã gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc phản đối Bắc Kinh gửi công hàm nhắc lại tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” chiếm gần 90% Biển Đông. Cái “lưỡi bò” nuốt luôn cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Hà Nội vẫn lặp đi lặp lại lời tuyên bố chủ quyền “có những bằng chứng lịch sử và thực tế không thể tranh cãi.” Không thể không kể đến các lần tàu Hải Giám Trung Quốc khiêu khích, đe dọa các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam đến độ CSVN phải bồi thường cả tỷ đô la cho các công ty ngoại quốc để hủy bỏ hợp đồng.

Chứng minh cho mối quan hệ “phát triển ổn định,” ông Phạm Sao Mai khoe rằng mậu dịch hai chiều giữa hai nước “nửa đầu năm 2020 đạt xấp xỉ $80 tỷ, tăng trưởng trên 18%. Đây là kết quả hiếm có trong hợp tác thương mại giữa các nước.”

Nhưng bản tin của TTXVN vẫn lặp lại lời tuyên bố của các chức sắc cấp cao CSVN luôn luôn nói với các lãnh tụ Bắc Kinh khi động chạm tới tranh chấp chủ quyền biển đảo và mối quan hệ hai nước là “hai bên cần thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.”

Cũng trên bản tin của TTXVN, ông Ngụy Phụng Hòa được thuật lời “cho rằng vấn đề trên biển không phản ánh toàn bộ quan hệ hai nước Trung-Việt, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên cùng nhau xử lý thỏa đáng bất đồng trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, xuất phát từ đại cục quan hệ hai đảng, hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực.”

Còn trên bản tin vắn tắt của Tân Hoa Xã, ông Ngụy Phụng Hòa được thuật lời là “Trung Quốc sẵn sàng đoàn kết và tăng cường hợp tác với Việt Nam để giải quyết thích đáng các bất đồng, cũng như cùng nhau chống bá quyền, chống chủ trương can thiệp, chống độc tôn (ám chỉ Mỹ) hầu đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.”

Dân chúng biểu tình đốt phá hàng trăm cơ sở sản xuất Trung Quốc đầu tư tại Bình Dương hồi Tháng Năm, 2014. (Hình: VNE/AFP/Getty Images)

Nhóm từ “giải quyết bất đồng thích đáng – hay đúng cách” (handle differences appropriately) được các nhà ngoại giao và các lãnh đạo Trung Quốc lặp đi lặp lại mỗi khi gặp các lãnh đạo Hà Nội. Tuy nhiên, cách hiểu và chủ ý trong đó lại hoàn toàn ngược nhau.

Tuy bề ngoài nói sẵn sàng “giải quyết thích đáng” nhưng Bắc Kinh luôn luôn xác định họ không nhân nhượng một ly một tấc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, dù là chủ quyền ăn cướp, cũng như lập trường của họ không bao giờ thay đổi về vấn đề chủ quyền “lưỡi bò” Biển Đông. Vậy thì làm sao đàm phán để “giải quyết thỏa đáng?” Trong khi đó Hà Nội cũng từng lặp đi lặp lại chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “có các bằng chứng lịch sử và thực tế không thể tranh cãi?”

Người ta thấy guồng máy tuyên truyền của hai nước thuật lời các lãnh đạo khi gặp nhau khua gõ rầm rĩ nâng mối quan hệ “lên tầm cao mới” nhưng thực tế rất nhiều sự kiện đã xảy ra chứng tỏ không phải vậy. Bắc Kinh không thiếu những lần cho các tướng lãnh và tờ Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa Hà Nội. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT