Thursday, April 18, 2024

CSVN xác nhận gia đình các nạn nhân chết ở Anh phải gánh hết phí tổn

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Viên chức huyện Can Lộc xác nhận gia đình của các nạn nhân tử nạn trong thùng hàng ở Anh phải gánh hết phí tổn cho việc đưa thi hài hay tro cốt của họ về nước.

Hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, 2019, ông Bùi Huy Cường, phó chủ tịch huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nói với các phóng viên của báo Guardian, Anh Quốc, là các giới chức địa phương đã nhận được chỉ thị từ Bộ Ngoại Giao để thông báo lại cho các gia đình thân nhân nạn nhân biết. Cả chính phủ Anh Quốc cũng như nhà cầm quyền CSVN không bên nào gánh phí tổn để đưa thi hài hay tro cốt của 39 nạn nhân tìm thấy chết trong thùng hàng xe vận tải ngày 23 Tháng Mười tại Essex về Việt Nam.

Theo lời ông Cường, chính quyền chỉ ứng trước phần chi phí đưa thi hài hay tro cốt từ phi trường về tới nhà của các gia đình nạn nhân. Ông ta nói thêm rằng phía nhà nước chỉ muốn gia đình các nạn nhân đưa tro cốt về nước. Chính quyền chỉ ứng trước các phí tổn rồi gia đình của họ phải hoàn trả lại.

Tuần trước ông Cường nói với các nhà báo là ông không biết rõ phía chính quyền nào hoặc thân nhân các nạn nhân chịu trách nhiệm cho các phí tổn. Người ta thấy lưu truyền trên mạng mẫu “Đơn đề nghị” do nhà cầm quyền làm sẵn rồi đưa cho thân nhân ký tên. Trong đó, thân nhân các nạn nhân “kính mong các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ đưa di hài (tro cốt) người thân tử vong tại Anh về nước và gia đình xin tiếp nhận di hài (tro cốt) tại địa phương.”

Đồng thời lại còn “Nhất trí ủy quyền cho Đại Sứ Quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh thay mặt gia đình chúng tôi làm tất cả thủ tục cần thiết để đưa di hài người thân về Việt Nam.”

Sau khi ký giấy này, gia đình các nạn nhân đã đổi ý, yêu cầu nhận thi hài chứ không phải tro cốt để có thể làm tang lễ theo phong tục truyền thống.

Ông Phạm Văn Thìn, cha của cô Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, nạn nhân đầu tiên được mọi người biết đã gửi tin nhắn “Con xin lỗi mẹ. Con thương bố mẹ nhiều… Con chết vì không thở được…” cho hay các viên chức địa phương đã đến nhà ông để thông báo lại những quyết định của phía chính quyền.

“Họ đưa cho tôi văn bản nói hai chính phủ sẽ không trả phí tổn đưa về nước,” ông Thìn nói. “Họ đề nghị hai lựa chọn: nhận tro cốt hay thi hài. Nhận tro cốt, chúng tôi trả 41,100,000 đồng (hay 1,370 bảng Anh), còn chúng tôi phải trả 66,240,000 đồng (hay 2,209 bảng Anh) để nhận thi hài.”

Nhiều gia đình đã ngập trong nợ nần khi vay mượn các số tiền lớn trả cho chuyến đi lậu với hy vọng đổi đời. Bây giờ “Phí tổn (đưa tro cốt hay thi hài) vượt quá khả năng của gia đình,” ông Thìn nói. “Chúng tôi đã vay ngân hàng trả cho chuyến đi của con gái nay vẫn còn nợ. Dù vậy, tôi đã ký giấy cam kết để đưa thi hài cháu về. Chúng tôi đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng chính quyền đề nghị cho vay để trả phí tổn rồi chúng tôi sẽ phải hoàn trả nhà nước trong 30 ngày sau khi đã chôn con. Chính quyền không tính tiền lời trên món nợ.”

Gia đình lập bàn thờ cô Phạm Thị Trà My. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Theo bản tin của Guardian, một tài liệu do Bộ Ngoại Giao CSVN gửi chính quyền các địa phương nói gia đình nào có khả năng tài chính thì phải trả trước các phí tổn. Những gia đình nào còn đang nợ (số tiền trả cho chuyến đi lậu vào Anh Quốc) sẽ phải vay tiền và ký giấy hoàn trả cho nhà nước số tiền được ứng ra.

Văn bản còn nói theo luật Việt Nam, tốn phí để đưa về nước tro cốt hay thi hài của người thân luôn luôn phải do gia đình gánh chịu, không phải nhà cầm quyền, tuy nhiên các cá nhân khác có thể bảo trợ phí tổn cho gia đình.

Báo chí nhà nước được lệnh không đưa thêm tin tức gì liên quan đến 39 người thiệt mạng trong thùng hàng xe vận tải ở Anh Quốc từ hai tuần qua. Nghệ An, Hà Tĩnh là hai tỉnh có nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Việt Nam, cả đi chính thức cũng như đi bất hợp pháp.

Theo tổ chức thiện nguyện Ecpat tại Anh, có hàng trăm người Việt Nam nhập lậu vào nước Anh mỗi năm với hy vọng kiếm được nhiều tiền gửi về giúp gia đình. Trong số đó, không ít người là nạn nhân của các tổ chức buôn người. Khi đến nơi, họ bị buộc làm cho các kẻ trồng cần sa, bán dâm hay những loại việc chân tay khác như làm móng tay, phụ bếp trong tiệm ăn.

Hiện có một nhóm người đứng ra quyên góp giúp đỡ gia đình các nạn nhân phần nào phí tổn qua trang mạng GoFundMe. (TN)

MỚI CẬP NHẬT