Tuesday, March 19, 2024

Trung Quốc thách đố Mỹ tạo nguy cơ xung đột Biển Đông

MANILA (NV) – Nguy cơ của hành động tính toán sai lầm và xung đột võ trang gia tăng tại khu vực Biển Đông một khi Trung Quốc mạnh hơn đang thách đố nước Mỹ.

Chito Sta. Romana, đại sứ của Philippines tại Trung Quốc, phát biểu trong buổi nói chuyện ở Manila hôm Thứ Hai, 19 Tháng Hai, 2018, rằng cán cân sức mạnh quân sự đang thay đổi giữa hai lực lượng tranh giành kiểm soát vùng biển và thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới mà nước Philippines của ông không muốn bị lôi cuốn vào.

Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia chỉ tuyên bố chủ quyền một phần nhưng Trung Quốc ngang ngược vẽ 9 cái vạch nối lại giống hình lưỡi bò chiếm hơn 80% Biển Đông rồi tuyên bố chủ quyền của mình có từ ngàn xưa. Tháng Bảy hai năm trước, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyết lời tuyên bố của Trung Quốc là vô giá trị.

Để hậu thuẫn cho sự ngang ngược của mình, Bắc Kinh đã bồi đắp 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trương Sa từ năm 1988 và mở rộng các đảo của quần đảo Hoàng Sa cướp của VNCH hồi năm 1974, thành các căn cứ quân sự qui mô trên biển. Một số đảo có phi đạo dài 3,000 mét cho các phi cơ lớn nhất và phi cơ chiến đầu sử dụng.

Căn cứ trên Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là một thành viên ký công nhận, Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Hoa Kỳ đã nhiều lần cho chiến hạm đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý hoặc máy bay bay trên các vùng biển này bất chấp sự la ó đe dọa của Bắc Kinh.

“Trước đây thì Hạm Ðội 7 của Mỹ bá chủ trên Biển Đông nhưng bây giờ thì Hải Quân Trung Quốc bắt đầu thách đố sự thống trị của Mỹ.” Đại Sứ Sto. Romana nói với cử tọa: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy có sự chuyển dịch cán cân lực lượng.”

Theo ông, hiện người ta chưa thấy Biển Đông trở thành cái ao sau nhà của Bắc Kinh vì mẫu hạm của Mỹ vẫn đi qua đây. Nhưng ông ví hai đại cường Mỹ và Trung Quốc như hai con voi đấu với nhau trên một bãi cỏ và ông không muốn người Philippines là cỏ để cho các bên dày xéo.

Hồi tuần trước, người ta thấy nhóm chuyên viên về tranh chấp Biển Đông của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) phân tích những hình ảnh mới nhất nói rằng góc Đông-Bắc của đảo nhân tạo Đá Chữ Thập đã được lắp đặt hệ thống truyền tin hay hệ thống thu tín hiệu lớn hơn hẳn các hệ thống radar hay thu tín hiệu khác mà Trung Quốc thiết lập trên 7 đảo nhân tạo. Những cơ sở đó nhiều phần được dùng để thu lượm tín hiệu tình báo và truyền tin cho lực lượng của họ trong vùng.

Giữa tuần trước, khi điều trần tại Thượng Viện để được chuẩn y làm đại sứ tại nước Úc, Ðô Ðốc Harry Harris sắp hết nhiệm kỳ làm tư lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, cáo buộc Trung Quốc xây dựng 7 căn cứ quân sự khổng lồ tại quần đảo Trường Sa. Chủ Tịch Tập Cận Bình khi đến Mỹ thăm viếng cuối Tháng Chín, 2015, từng tuyên bố Bắc Kinh không biến những đảo nhân tạo đó thành căn cứ quân sự. Những gì người ta thấy hoàn toàn ngược lại. (TN)

Bí ẩn bao trùm vụ máy bay rơi ở Iran

MỚI CẬP NHẬT