Friday, April 26, 2024

Dân An Giang bất an vì sạt lở bủa vây

AN GIANG, Việt Nam (NV) – Không chỉ có vụ sạt lở ở quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, đã nhấn chìm cả trăm mét đường đi, mà hiện tại An Giang có đến 51 điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 20,000 gia đình.

Đến chiều ngày 21 Tháng Tám, 2019, điểm sạt lở tại quốc lộ 91 thuộc xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt dài.

Trước đó, sau ba lần sạt lở liên tục trong vòng 20 ngày, hàng trăm mét chiều dài quốc lộ đã bị sạt xuống sông Hậu khiến tuyến đường độc đạo từ Cần Thơ, Long Xuyên lên Châu Đốc và các huyện giáp biên giới Cambodia bị cắt đứt hoàn toàn, 26 gia đình buộc phải di dời khẩn cấp.

Theo báo Thanh Niên, hiện tại hai đầu đoạn sạt lở là những thảm trải nhựa nham nhở còn lại, đứt gãy trong khi tầng đất phía dưới bờ sông bị lõm vào tạo thành một “hàm ếch” khổng lồ, sâu hoắm. Trên bờ, lực lượng hữu trách đã phong tỏa không cho người qua lại. Các xe cộ được phân luồng đi vào tuyến đường tránh đang thi công dang dở.

Ông Nguyễn Văn Bờ (65 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) mắt đỏ hoe nói: “30 năm sinh sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy bất an như lúc này. Cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn, lúc nào cũng lo sợ không biết có sạt hết nhà mình không. Giờ xã không cho bám trụ ở nhà nữa, phải bỏ nhà cửa đi ở đậu nhà người quen.”

Còn bà Trương Thị Diệu Hằng (50 tuổi, hàng xóm ông Bờ) buồn rầu lo lắng bởi không chỉ mất nhà, sinh kế của gia đình bà cũng đang bị đe dọa. “Tôi sống nhờ vào việc bán tạp hóa cho hàng xóm, giờ phải đóng cửa vì đường phong tỏa. Tình hình này không biết chèo chống được tới đâu,” bà Hằng than.

Khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ở quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. (Hình: Thanh Niên)

Bi kịch hơn là gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tuyết (54 tuổi) vừa phải đóng cửa tiệm bán gạo, vừa “như ngồi trên lửa” vì đường ống dẫn nước cho ao nuôi cá tra phía sau nhà đã bị sập hoàn toàn theo đoạn bờ sông phía trước. “Lở như vậy, mình đâu có thể xuống để sửa chữa được, thành thử không có nước ra vô, hầm cá 40 tấn giờ không biết có sống nổi không,” bà Tuyết nói với báo Thanh Niên.

Tin cho biết, đây là lần thứ hai trong 10 năm qua, người dân sống dọc đoạn quốc lộ 91 này đối mặt với đại họa sạt lở. Trước đó, hồi Tháng Ba, 2010, đoạn đường cách điểm sạt lở hiện tại chừng 200 mét cũng bị sạt lở tan nát, cắt đứt hoàn toàn.

Giải thích về nguyên nhân, ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang, cho rằng “điểm đen sạt lở” này như một “nút thắt cổ chai” lòng sông hẹp chỉ 300 mét, trong khi về hướng thượng nguồn lòng sông rộng 630 mét, hướng hạ nguồn rộng đến 800 mét. Chính vì thế mà dòng chảy rất mạnh cuộn vào bờ, hình thành nên những hố xoáy, hàm ếch và gây nên sạt lở.

Ông Thư cho biết thêm, không chỉ có đoạn quốc lộ 91 này, tình trạng sạt lở ở An Giang đang ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở khắp các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di… với 51 điểm sạt lở gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và đe dọa tính mạng, tài sản trực tiếp đến 20,000 gia đình.

Nói với báo Thanh Niên trong buổi làm việc với tỉnh An Giang ngày 21 Tháng Tám, ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực CSVN cho biết, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện có tổng cộng 564 điểm sạt lở với chiều dài trên 834 cây số, trong đó sạt lở bờ sông là 512 điểm với chiều dài 566 cây số, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT