Friday, April 19, 2024

Dịch không giảm, Hải Dương xin Ấn Độ viện trợ vaccine COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hải Dương đã gửi công văn tới Đại Sứ Quán Ấn Độ tại Việt Nam, đề nghị chính phủ Ấn Độ viện trợ vaccine COVID-19 để chích cho nhân viên y tế, những người có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao trong tuyến đầu chống dịch.

Theo báo Tuổi Trẻ, tính đến chiều tối 23 Tháng Hai, Bộ Y Tế CSVN đã ghi nhận thêm sáu ca mới lây nhiễm cộng đồng gồm năm ca ở Hải Dương và một ca tại Quảng Ninh, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên 2,401 người.

Các bác sĩ kiểm soát nhiễm khuẩn ở Hải Dương. (Hình: VNExpress)

Như vậy, từ hôm 28 Tháng Giêng đến 23 Tháng Hai, Bộ Y Tế đã ghi nhận 809 ca nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (625), Quảng Ninh (61), Sài Gòn (36), Hà Nội (36), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang mỗi nơi hai và Hà Giang một ca.

Trước tình trạng dịch bệnh “diễn biến phức tạp” tại Hải Dương, xác nhận với báo VTC News, sáng 23 Tháng Hai, bà Nguyễn Thị Liễu, chủ tịch thị xã Kinh Môn, cho biết đã phong tỏa ba khu dân cư gồm Hiệp Thạch, An Cường và Hiệp Thượng của phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn, với hơn 7,000 người dân để truy vết những người liên quan đến ca dương tính SARS-CoV-2 là nữ công nhân công ty POYUN chi nhánh Phú Thái (Kim Thành, Hải Dương), nơi mà nữ công nhân đi lại, tiếp xúc nhiều người.

Sáng cùng ngày nói với báo Dân Trí, ông Trương Văn Hơn, chánh Văn Phòng Ủy Ban tỉnh Hải Dương, cho biết dựa theo thông tin từ Trung Tâm Thông Tin và Tư Vấn Đầu Tư Invest Global của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài, tỉnh này đã có văn bản gửi Đại Sứ Quán Ấn Độ tại Việt Nam đề nghị chính phủ Ấn Độ viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Hải Dương từ 200,000 đến 300,000 liều vaccine COVID-19 do Ấn Độ sản xuất, để chích ngừa cho nhân viên y tế, những người có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao trong tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, theo báo VNExpress, tại cuộc họp “Khẩn” vào chiều 22 Tháng Hai, ông Nguyễn Văn Tùng, chủ tịch thành phố Hải Phòng, đã yêu cầu phong tỏa, giãn cách bảy khu vực ở xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên), phường Dư Hàng (quận Lê Chân) và thôn Kim Sơn của xã Lê Thiện (huyện An Dương)15 ngày, kể từ 6 giờ chiều cùng ngày để “khoanh vùng, xét nghiệm toàn bộ dân cư.”

Với những khu vực thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền sẽ phát phiếu cho người dân mua lương thực phẩm và vật dụng thiết yếu. Các quận, huyện dừng hoạt động và dịch vụ: lễ hội, vui chơi giải trí, cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ, vũ trường, karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu, phòng khám nha khoa, vận chuyển khách du lịch, xe buýt… Các hoạt động thể thao trong nhà, hoạt động thể thao ngoài trời vẫn được phép hoạt động nhưng không tập trung quá 10 người.

Chiều 23 Tháng Hai, bà Phan Thị Thu Hiền, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam, cho hay đã có công văn đề nghị Sở Giao Thông Hải Phòng “nghiên cứu đề nghị của cơ quan hữu trách tỉnh Hải Dương, tháo gỡ cho xe chở hàng vào Hải Phòng.”
“Chúng tôi yêu cầu thành phố Hải Phòng nghiên cứu phương án giải quyết, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa của Hải Dương, vừa phòng chống dịch,” bà Hiền nói.

Theo ông Lê Quý Tiệp, giám đốc Sở Giao Thông tỉnh Hải Dương, từ chiều 22 Tháng Hai, giới chức Hải Phòng đã phân luồng không cho xe cộ chạy trên quốc lộ 5, đặc biệt là người và xe từ Hải Dương. Xe cộ phải đi trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ra vào Hải Dương qua nút giao với quốc lộ 38 gây kẹt xe.

Một chốt kiểm soát dịch bệnh viện ở Hải Phòng. (Hình: Nguyễn Dương/Zing)

Ngoài ra, theo yêu cầu của Hải Phòng, xe chở hàng hóa từ Hải Dương chỉ được vào thành phố khi có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, giao hàng, nơi nhận hàng), lái xe phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong ba ngày gần nhất; phải có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải là lái xe được ăn ở, quản lý tập trung. Các yêu cầu này dẫn đến khó khăn cho lưu thông hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng.

“Hàng hóa tiếp tục dồn ứ khiến nông dân thiệt hại, còn ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, ảnh hưởng đến các Hiệp Định Thương Mại mà tỉnh lẫn các bộ, ngành mất nhiều công sức mới đàm phán được,” ông Tiệp bất bình nói. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT