Saturday, April 20, 2024

Doanh nghiệp Việt Nam ‘gồng mình’ với dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không riêng các doanh nghiệp du lịch, hàng không điêu đứng do vắng khách, các công ty ngành dệt may, da giày, điện tử… cũng đang “gồng mình” với dịch COVID-19.

Chị Minh ở quận Đống Đa, Hà Nội, vừa gọi điện thoại hủy ba phòng khách sạn tại Đà Lạt nơi chị cùng nhóm bạn dự định sẽ đi vào cuối tuần này nhưng do dịch COVID-19 đang hoành hành khiến kế hoạch lùi vô thời hạn.

Báo VNExpress ngày 12 Tháng Hai, 2020, dẫn số liệu mới nhất của Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết chị Minh chỉ là một trong 10,000 khách đã hủy phòng loại tiêu chuẩn 3-5 sao ở thành phố Đà Lạt. Số này cũng chưa tính đủ các loại phòng bị hủy ở những khách sạn từ 1-2 sao, “homestay,” khách sạn và nhà nghỉ bình dân.

Cùng ngày, theo báo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp với Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ, các ngành nông nghiệp, công thương, giao thông vận tải, du lịch, thuế… báo cáo tình hình thiệt hại kinh tế do tác động của dịch COVID-19 cho biết đều bị thiệt hại và chắc chắn sẽ thấy rõ trong một vài tháng tới.

Theo Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Cần Thơ, qua nắm tình hình từ một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, số cơ sở lưu trú doanh thu giảm từ 30% đến 50% do lượng khách hủy phòng, hủy tiệc tăng cao so với cùng kỳ.

Đối với dịch vụ lữ hành, trong Tháng Giêng số khách hủy tour tăng khoảng 50%, nhưng Tháng Hai dự trù lên đến 70%. Các điểm du lịch lớn như Khu Du Lịch Mỹ Khánh lượng khách chỉ bằng 20% so với cùng kỳ…

Không riêng Đà Lạt, Cần Thơ, đặc biệt là Đà Nẵng, Nha Trang… những nơi phụ thuộc nhiều vào khách Trung Quốc cũng đang “gồng mình” với dịch COVID-19.

Là một phần không thể thiếu trong hoạt động du lịch, các doanh nghiệp vận tải hay các đơn vị kinh doanh tại các điểm du lịch cũng chịu cảnh tương tự.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có thể phá sản do thiếu nguyên liệu sản xuất. (Hình: Ngọc Thành/VNExpress)

Đại diện công ty Nguyên Phát, một doanh nghiệp chuyên vận chuyển khách du lịch, cho biết thông thường trong Tháng Giêng, mỗi chiếc xe đò loại 16 và 29 chỗ của công ty hoạt động hết công suất, mang về doanh thu vài triệu đồng mỗi ngày, thì nay nằm “đắp chiếu” trong bãi đỗ, nhân viên rảnh ngồi chơi. Các hợp đồng thường xuyên là đưa đón học sinh cũng chưa có doanh thu do các trường vẫn còn nghỉ học. Trong khi đó, chi phí vận hành mỗi tháng không dưới nửa tỷ đồng ($21,521).

Theo tính toán bước đầu của Hội Đồng Tư Vấn Du Lịch Quốc Gia (TAB), trong quý I năm 2020 này ngành du lịch có thể thiệt hại $7tỷ và nếu kéo dài tới quý 2, mức độ thiệt hại có thể vượt $15 tỷ.

Ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch TAB và đang là Hội Đồng Quản Trị của Tập Đoàn Thiên Minh, còn đánh giá một số ngành, nghề có thể bị ảnh hưởng từ 6 đến 12 tháng với mức tổn thất lớn.

Ngoài vận tải đường bộ, ngành hàng không Việt Nam cũng đang bị COVID-19 ảnh hưởng. Ông Dương Trí Thành, tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết việc tạm dừng các chuyến bay đến/đi từ Trung Quốc của hãng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 70,000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa hai quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc. Đó là chưa kể đến việc hãng phải thay đổi rất nhiều quy trình, dịch vụ từ mặt đất đến trên không để phòng ngừa dịch gây tốn kém chi phí rất nhiều.

“Nếu thị trường phục hồi vào Tháng Bảy, 2020, tổng thiệt hại tài chính do COVID-19 có thể gây ra cho hãng lên tới $196 triệu,” ông Thành nói với báo VNExpress.

Không chỉ các doanh nghiệp du lịch, vận tải bị ảnh hưởng, nhiều ngành nghề sản xuất khác như dệt may, da giày, điện tử, nội thất… có nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng sắp cạn nguyên liệu.

Lãnh đạo Cục Công Nghiệp thuộc Bộ Công Thương CSVN, cho biết nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất trong một tháng nữa nên nguy cơ bị đình trệ sản xuất sẽ xảy ra nếu không có nguồn khác thay thế.

Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty May Hưng Yên, cho biết công ty chỉ còn đủ nguyên liệu cầm cự đến cuối Tháng Hai, tương đương nửa tháng chạy máy. Và trong nửa tháng này, công nhân vẫn đi làm nhưng không ra sản phẩm, công ty vẫn phải trả lương. Chưa kể, nếu không kịp giao hàng còn có thể bị đối tác hủy. Ông Dương ước tính, tổng mức thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu đô la.

“Có những khách hàng họ chỉ đồng ý gia hạn thêm một tuần, nếu hàng trễ hẹn ba tuần là họ không nhận. Lúc đó chỉ còn cách xếp hàng vào kho,” ông Dương lo lắng cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, cũng cảnh báo nếu sau Tháng Ba, 2020, các doanh nghiệp trong ngành vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều công ty có nguy cơ đóng cửa, người lao động mất việc. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT