Friday, April 26, 2024

Dư luận hoài nghi về số tiền ‘$16 tỷ’ đầu tư phi trường Long Thành

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Công luận và ngay cả các “đại biểu Quốc Hội” đang dấy lên tranh luận về dự án xây phi trường Long Thành với mức đầu tư lên đến $16 tỷ dù tin ban đầu là “chỉ có hai phi đạo.”

Bài “Các nước làm phi trường giá chỉ bằng 2/3 Long Thành” trên báo Tuổi Trẻ ghi: “Phi trường Đại Hưng ở Trung Quốc thiết kế bảy phi đạo vốn đầu tư chỉ $11.5 tỷ. Phi trường Istanbul có bốn phi đạo cũng chỉ $12 tỷ trong khi phi trường Long Thành chỉ hai phi đạo nhưng vốn đầu tư lên đến $16 tỷ.”

Để trấn an công luận, lãnh đạo Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV, doanh nghiệp được chính phủ CSVN chỉ định thầu giao lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi của phi trường Long Thành, khẳng định mức đầu tư dự án này “tương đương phi trường Đại Hưng của Trung Quốc và Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.”

Báo điện tử VNExpress dẫn lời ông Đỗ Tất Bình, phó tổng giám đốc ACV: “Tổng mức đầu tư phi trường Long Thành được tính toán chi tiết dựa trên bản vẽ thiết kế cơ sở, đơn giá vật tư tại địa phương, báo giá của các nhà cung cấp, suất đầu tư của các công trình có tính chất tương tự. Giai đoạn hai và ba chưa được triển khai nên phải tính bao gồm khối lượng dự phòng và trượt giá sau nhiều năm nữa.”

Trên trang cá nhân, ông Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát tại Singapore chỉ trích ông Đỗ Tất Bình “đang đánh tráo khái niệm” và viết thêm: “Theo ông Bình, mức đầu tư phi trường Long Thành khoảng $16 tỷ là tương đương với phi trường Đại Hưng (Trung Quốc). Phi trường này đã khai thác từ Tháng Chín, 2019 với công suất 72 triệu lượt hành khách một năm, có tổng mức đầu tư khoảng $11.7 tỷ, tức khoảng $16 tỷ cho 100 triệu lượt hành khách.

Tương tự, phi trường New Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đã hoạt động, có tổng mức đầu tư khoảng $12 tỷ cho công suất 90 triệu lượt hành khách một năm, tức khoảng $14.9 tỷ cho công suất 100 triệu lượt hành khách.”

“Số lượng hạng mục, khối lượng thi công [của phi trường Long Thành] ít hơn (chưa kể chất lượng có thể thấp hơn) mà số vốn đầu tư cao hơn thì rõ ràng là có vấn đề. Còn số lượng hành khách phục vụ mới chỉ là tính toán trên giấy. Hơn nữa, phục vụ cùng một lượng khách mà phi trường quá tải, phi cơ không đủ phi đạo để cất hạ cánh, bị trễ chuyến, hủy chuyến thì cái mức đầu tư trên mỗi hành khách đó chẳng có ý nghĩa gì để làm chỉ tiêu so sánh cả,” theo Facebook Hiep Le.

Một chi tiết khiến công luận càng hoang mang trong vụ này là phát ngôn “lạc quan tếu” của giới chức Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN dù không có căn cứ nào. Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN đánh giá cao hiệu quả kinh tế của dự án và cho rằng không có phi trường nào hiệu quả tốt như phi trường Long Thành, nhất là trong giai đoạn một và hai.”

VNExpress cho hay giai đoạn một của phi trường Long Thành là xây dựng một phi đạo và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt thành khách mỗi năm, nhà ga hành khách tiếp nhận 1.2 triệu tấn hàng hóa. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một là $4.7 tỷ, dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT