Wednesday, April 24, 2024

Đức vẫn nghi ngờ Slovakia tiếp tay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

BERLIN, Đức (NV) – Với những nghi vấn không được trả lời thỏa đáng, có vẻ chính phủ Đức vẫn không hài lòng về sự giải thích của Slovakia về vai trò của nước này trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Cho đến nay, chính phủ Slovakia vẫn phủ nhận có biết gì hay liên quan đến chuyện CSVN bắt cóc cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu chủ tịch Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí PVC Trịnh Xuân Thanh, đưa từ Berlin qua ngả Bratislava, thủ đô Slovakia, về Việt Nam.

Chính phủ của ông Thủ Tướng Peter Pellegrini nhìn nhận có cho phái đoàn của Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm mượn chiếc máy bay công vụ của chính phủ để bay tờ Bratisla tới Moscow và không biết trên chuyến bay này có Trịnh Xuân Thanh hay không.

Người ta cũng thấy tin Bộ Ngoại Giao Slovakia mời đại sứ CSVN tới để chất vấn về vụ việc với những lời lẽ đe dọa nếu có vụ bắt cóc xảy ra, sẽ có sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối bang giao giữa Bratislava và Hà Nội.

Thủ Tướng Pellegrini đã bay tới Berlin gặp bà Thủ Tướng Đức Angela Markel đầu tuần trước và ông đã cam kết hợp tác với Đức để điều tra vụ việc, giải thỏa nghi ngờ của Đức.

Thứ Sáu tuần trước, báo Đức TAZ dựng lại một số dấu mốc với các chứng cớ, chi tiết liên quan đến hành trình phái đoàn của tướng Tô Lâm và một số nhân vật chính trong vụ bắt cóc, chiếc máy bay chính phủ Slovakia bay từ đâu tới đâu, ngày giờ nào, để cho thấy còn những nghi ngờ vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Những ai ngồi trên chuyến bay SSG004?

Theo báo TAZ kể, lúc 11 giờ 26 phút ngày 26 Tháng Bảy, 2017, có 4 người Việt Nam xuống máy bay tại phi trường Prague (thủ đô Czech) trên chuyến bay của hãng Czech Airlines đến từ Paris. Tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công An CSVN, Tướng Đường Minh Hưng, phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh, một viên chức cao cấp của Bộ Công An và một người nữa hộ tống. Họ đến Bratislava để họp với Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia, ít nhất trên danh nghĩa chính thức.

Lộ trình chuyến bay đưa phái đoàn Tướng Công an Tô Lâm từ Bratislava đi Moscow mang theo Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam. (Hình: Tài liệu của TAZ)

Thật ra, cả 4 người vừa nói muốn đến thủ đô Vienna (nước Áo) rồi từ đó tới Bratislava. Chính phủ Slovakia đã chuẩn bị xe limousine để đón. Một ngày trước khi cuộc họp diễn ra, phía phái đoàn Việt Nam nói họ muốn được đón từ Prague (tới Bratislava) rồi từ đây bay tới Moscow sau cuộc họp với bộ trưởng Nội Vụ Slovakia.

Cho nên Slovakia cung cấp máy bay của chính phủ để đưa đón. Thỉnh thoảng cũng từng xảy ra những chuyện như vậy khi chính phủ Slovakia cho thượng khách nước ngoài mượn máy bay, chẳng hạn như Đức Giáo Hoàng, hoàng đế Nhật Bản. Rất có thể mật vụ CSVN đã đưa lậu nạn nhân của họ bị bắt cóc ra khỏi Châu Âu.

Tướng tình báo Đường Minh Hưng được cho là xếp đặt vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cùng với “cô đào” của ông này, từ công viên Tiergarten tại Berlin, lôi lên chiếc xe VW ngày 23 Tháng Bảy, 2017.

Nghi ngờ lớn: Slovakia tiếp tay cho vụ bắt cóc?

Ba ngày sau, chỉ một lúc sau nửa đêm của ngày Thứ Tư hôm đó, cả 4 nhân vật lãnh đạo của công an CSVN đã bay tới Bratislava trên chiếc máy bay Airbus A319 của chính phủ Slovakia. Đến 1 giờ 15 phút trưa họ đến nơi và ở đây khoảng một giờ rưỡi. Vì khi đồng hồ chỉ 14 giờ 52 phút thì cũng chiếc máy bay này đang ở trên không, hướng về Moscow. Báo TAZ nói họ có thể tái lập chuỗi sự kiện dựa trên dữ liệu phi hành được ghi lại.

Chuyến bay mang số SSG004 mang những nghi vấn mà chính phủ Slovakia cần phải làm rõ. Làm sao nạn nhân vụ bắt cóc được đưa về Việt Nam mà cơ quan Tư Pháp Đức vẫn chưa rõ. Với chiếc máy bay của một đối tác Âu Châu của Đức? Một sự nghi ngờ lớn.

Như tin mấy ngày gần đây, chính phủ Slovakia đã phủ nhận sự dính dáng vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu quả có vụ việc có thật xảy ra, chỉ là lòng tốt của họ bị Hà Nội lợi dụng. Trong mọi trường hợp, không thấy tên Trịnh Xuân Thanh trong danh sách hành khách.

Bản tin của báo Đức TAZ kể chi tiết chuyến bay SSG004 với phi cơ của chính phủ Slovakia bị sử dụng đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. (Hình: NV crop từ trang mạng TAZ)

Dù sao, theo báo TAZ, sự nghi ngờ hợp với hoàn cảnh này: Một nước (Slovakia) đầy tham nhũng từng có một ký giả bị sát hại hồi Tháng Hai vừa qua khi điều tra về những mưu đồ của những kẻ có quyền lực. Và một nước duy trì những quan hệ đầy nghi vấn với Việt Nam.

Báo TAZ thuật lại tin của báo Aktuality.sk (của Slovakia) nói các nhà điều tra Đức muốn phỏng vấn phi hành đoàn và cả các nhân viên khách sạn Borik.

Slovakia chỉ chịu công nhận có cho phía Việt Nam mượn máy bay khi bị báo chí chất vấn gắt gao, nhưng giờ giấc, thời điểm cho mượn không trùng khớp lắm với các dữ liệu hàng không. Cho nên, chuyện phái đoàn tướng Tô Lâm gặp Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia chỉ là bình phong cho vụ bắt cóc?

TAZ kể rằng cùng với tướng hai sao Đường Minh Hưng, cũng có mặt tại khác sạn Borik có mật vụ Vũ Quang Dũng được coi như thành phần chính của tổ chức bắt cóc. Đậu trước khách sạn Borik là chiếc xe Mercedes Vito từ 12 giờ 35 đến 14 giờ 17 phút với hai người tham gia vụ bắt cóc. Các nhà điều tra đã tái hiện được chi tiết nhờ dữ liệu của hệ thống định vị GPS gắn trên xe. Vậy nạn nhân bị bắt cóc được đưa tới Bratislava bằng chiếc xe này.

Nguyễn Hải Long, kẻ thuê xe tại thủ đô Prague đang bị tòa án Berlin xét xử về tội làm gián điệp và tham gia bắt cóc.

Bản tin của tờ TAZ có đoạn cuối cùng viết về Lê Hồng Quang, một người Việt Nam có quốc tịch Slovakia. Ông ta du học thời thập niên 80 khi nước này cón là Cộng Sản Czechoslovakia, đỗ kỹ sư, từng làm một thời gian cho chính phủ Slovakia và cũng từng là xử lý thường vụ đại sứ Slovakia tại Hà Nội. Có vẻ ông này cũng đóng một vai trò trong vụ bắt cóc.

Sau bữa ăn trưa, cả 4 người Việt Nam (Tô Lâm, Đường Minh Hưng, viên chức cao cấp của Bộ Công An và một người nữa hộ tống)  cùng với người Slovakia và 8 người Việt Nam khác mà người ta không rõ có vai trò chính thức gì trong cuộc họp, đi xe hơi tới phi trường và đi qua cổng kiểm soát dành cho VIP với thông hành ngoại giao. Ít phút sau lúc 3 giờ chiều, chiếc máy bay Airbus khởi hành và đến phi trường Vnukovo tại Moscow lúc 17 giờ 10 phút giờ Âu Châu.

Nếu Trịnh Xuân Thanh có mặt trên chuyến bay, chính phủ Bratislava phải biết. Hoặc họ đã quá sơ sểnh mà không biết. Chiếc máy bay của chính phủ Slovakia quay về Bratislava từ Moscow cùng buổi chiều hôm đó. Làm thế nào phái đoàn thầy trò Tướng Tô Lâm về Việt Nam hiện không rõ.

Không thấy có chi tiết nào cho thấy Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm có cuộc hẹp nào ở Moscow. Người ta lúc đầu thấy ông Tô Lâm chối không biết gì về tin Trịnh Xuân Thanh “đằng vân” hay “độn thổ” về Việt Nam. Chỉ thấy một tuần sau, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) loan báo ngày 3 Tháng Tám, 2017, là Trịnh Xuân Thanh đã tới cơ quan công an “đầu thú.” (TN)

Hoa Kỳ thanh lọc các nhà khoa học gốc Hoa

MỚI CẬP NHẬT