Friday, April 26, 2024

Hà Nội muốn bán dữ liệu của cư dân để thu thêm hàng triệu đô la

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thành phố Hà Nội vừa đề xuất với chính phủ CSVN cho thí điểm bán các dữ liệu thông tin cá nhân của dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác, để mỗi năm thu về hơn 300 tỷ đồng, khoảng $13.5 triệu.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến giữa chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, sáng ngày 2 Tháng Bảy, Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội, đề xuất chính phủ CSVN cho phép Hà Nội thí điểm “thu giá dịch vụ việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như công chứng, ngân hàng và một số các lĩnh vực khác.”

“Nếu được đồng ý thì mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 300 tỷ đồng,” ông Chung nói.

Tối cùng ngày, nói với báo Thanh Niên, ông Chung giải thích thêm “đề xuất này là nhằm tạo thuận lợi cho người dân và các thông tin được cung cấp không phải bí mật đời tư.”

Theo ông Chung thì “luật đã cho phép thu phí đối với việc khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, do đợi luật thì lâu, nên Hà Nội đề nghị chính phủ trao thẩm quyền cho tỉnh, thành nào đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đều có thể ban hành giá dịch vụ chia sẻ cơ sở dữ liệu đó, bởi theo thẩm quyền thì chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành được ban hành giá dịch vụ.”

Ông Chung cho hay, các đơn vị được khai thác dữ liệu sẽ phải trả phí chứ không phải người dân. Cơ sở dữ liệu được chia sẻ chỉ là các thông tin cơ bản, gồm khoảng 7 thông số như trong giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứ không phải thông tin về bí mật đời tư, cá nhân.

Ông Chung còn khẳng định “khả năng bảo mật,” vì cơ sở dữ liệu về dân cư của Hà Nội đã hoàn thiện từ 4-5 năm nay.

Theo truyền thông Việt Nam, từ năm 2011, lãnh đạo Hà Nội đã có chỉ thị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở thành phố này và giao cho công an thực hiện.

Đến cuối năm 2017, chính quyền thành phố Hà Nội cho hay cơ sở dữ liệu 7.5 triệu người dân “đã được xây dựng để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác điều hành của thành phố.”

Liên quan đến việc này, nhà báo Nguyễn Đức Hiển viết trên trang Facebook cá nhân cho rằng đây là “Đề xuất lạ lùng của tướng Nguyễn Đức Chung.”

Ông Hiển nêu: “Nếu đề xuất này thành hiện thực – và ngay cả khi nó không thành hiện thực – có thể Tướng Chung phải trả lời khá nhiều câu hỏi từ công luận cho đề xuất của mình.”

Nếu được chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỷ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này. 300 tỷ /năm chỉ là “muỗi” so với một thành phố lớn như Hà Nội, nó không giải quyết được gì cả.

Nhưng cung cấp dữ liệu dân cư có thu phí, nôm na là bán, thì nó ảnh hưởng đến quyền nhân thân của hàng triệu người và có khả năng trái luật. Cụ thể là Hiến Pháp, Luật Dân Sự và Luật Căn Cước Công Dân.

Khi đó, không ai dám đảm bảo suốt ngày “cò” ngân hàng, “cò” công chứng và các đơn vị kinh doanh khác không gây phiền nhiễu dân chúng bởi những cuộc gọi. Mà, có khi các cuộc họp của Thành Ủy lẫn Ủy Ban Nhân Dân thành phố và các lãnh đạo đảng, nhà nước là cư dân Hà Nội cũng bị gây phiền bởi những thông tin cá nhân của thành viên đã bị chia sẻ cho những đối tượng này…

Trong khi đó, Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội, cũng viết trên trang Facebook cá nhân: “Ông Chung bị dân mạng xã hội phản ứng dữ dội về đề xuất này. Ông đã nói lại cho rõ về đề xuất ‘bán dữ liệu công dân,’ vốn chỉ tóm tắt trong buổi họp trực tuyến với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.”

Hàng ngàn độc giả trên tờ VNExpress phản ứng thái độ trước thông tin trên bằng hai từ “cạn lời.” Cũng có người nêu cụ thể: “Tại sao thành phố lại đem bán thông tin cá nhân của tui và cả gia đình tui? Nhà tui khai cho chính quyền nhằm phục vụ công tác quản lý chứ đâu phải để kinh doanh?,” bạn Hoàng Hiển viết với hơn 220 người đồng tình.

Độc giả Lê Minh Đạt nêu thẳng: “Tôi thì không đồng ý điều này, vì đây là thông tin cá nhân của mỗi người, quyền của mỗi người.” Ý kiến này nhận được 126  đồng tình. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT