Thursday, April 25, 2024

Hầm đường bộ Hải Vân có thể ngừng hoạt động vì thiếu tiền điện

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Hầm đường bộ Hải Vân nối liền Đà Nẵng và Huế trên quốc lộ 1A đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì thiếu tiền trả tiền điện.

Báo Tuổi Trẻ hôm 29 Tháng Mười 2018 cho hay, “Từ Tháng Chín năm 2018 đến nay, Hamadeco đang là con nợ của Điện Lực quận Liên Chiểu, Đà Nẵng (thuộc Công Ty Điện Lực Đà Nẵng) với số tiền nợ hơn 2.6 tỉ đồng.”

Và, “dù đã nợ chồng nợ suốt 4 kỳ, ngành điện cũng đã 3 lần thông báo nhưng Hamadeco hiện không có khả năng thanh toán.”

Báo này dẫn lời ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Điện Lực quận Liên Chiểu cho biết: “Theo quy định và hợp đồng thì sau 15 ngày thông báo tiền điện thì khách hàng phải thanh toán tiền điện, nếu không sẽ bị cắt điện.”

Ông Sơn cho biết tiếp: “Tuy nhiên, do là công trình hầm đường bộ Hải Vân là công trình trọng yếu của quốc gia nên ngành điện vẫn phải đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục dù tiền điện còn nợ lên tới tiền tỉ.”

Tin cho hay, “Khoản nợ ngày một lớn trên đang khiến Công Ty Điện Lực Đà Nẵng gặp khó khăn, đã phải có văn bản kiến nghị bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải.”

“Con nợ” Hamadeco là công ty quản lý và khai thác đường hầm này. Từ tháng Mười Một, năm 2015, Hamadeco được chuyển về Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Đèo Cả nên chi phí vận hành do công ty này chi trả. Giữa Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Đèo Cả và Hamadeco đã ký kết hợp đồng giao quản lý, vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm đường bộ Hải Vân.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Hưởng, tổng giám đốc Hamadeco cho biết, trước Tháng Mười Một, 2015, kinh phí vận hành hầm đường bộ Hải Vân được cấp từ ngân sách của nhà nước.

“Suốt thời gian qua, dù Hamadeco đã đứng ra quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân nhưng đến nay công ty CP Đầu Tư Đèo Cả mới thanh toán cho Hamadeco chi phí vận hành hầm đến quý I/2018.”

“Từ ngày 30 Tháng Tám đến nay chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị công ty CP Đầu Tư Đèo Cả thanh toán chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng hầm Hải Vân nhưng vẫn không có kết quả,” ông Hưởng cho biết.

Theo ông Hưởng, để đảm bảo việc vận hành hầm Hải Vân được thông suốt thì mỗi quý chi phí vận hành hầm khoảng 20 tỉ đồng, trong đó tiền điện chiếm 45-50%.

Trong khi số tiền hơn 40 tỉ đồng mà công ty CP Đầu Tư Đèo Cả đang nợ Hamadeco hai quý vừa qua vẫn chưa được thanh toán, Hamadeco phải vay nợ ngân hàng để ứng chi trả cho các chi phí thường xuyên (lương công nhân, tiền điện,…) nhưng hiện đã vượt khả năng chịu đựng của công ty này.

Theo ông Hưởng, hiện công ty vẫn đang cố gắng cầm cự nhưng dự kiến qua Tháng Mười Một, Tháng Mười Hai sẽ rất khó khăn.

“Nếu không có khả năng chi trả mà công nhân đình công thì khả năng phải dừng vận hành hầm Hải Vân,” ông Hưởng nói với báo Tuổi Trẻ.

Hầm Hải Vân có chiều dài 6.28 km là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, xuyên qua đèo Hải Vân.  Hầm khởi bắt đầu dựng vào ngày 27 Tháng Tám, năm 2000, và được khánh thành vào ngày 5 Tháng Sáu, năm 2005. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án hầm đường bộ Hải Vân là hơn $127 triệu. (KN)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT