Thursday, April 25, 2024

Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc sắp tràn xuống Biển Đông

QUẢNG NINH (NV) – Ước tính sẽ có khoảng 18,000 tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc từ đảo Hải Nam sẽ tràn xuống Biển Đông sau khi “lệnh cấm đánh cá” đơn phương của Trung Quốc bắt đầu hết hiệu lực.

Báo South China Morning Post cho hay như vậy và tỏ ra quan ngại về các vụ va chạm giữa các tàu cá của Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá quá phân nửa diện tích 3.5 triệu km2 của Biển Ðông trong 10 tuần lễ bắt đầu từ giữa Tháng Năm đến đầu Tháng Tám hàng năm lấy cớ bảo vệ sự bền vững của nguồn lợi thủy sản.

Ðiều oái oăm của cá lệnh này là những vùng biển mà họ tự nhận chủ quyền lại bao gồm cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines, từ phía Bắc vĩ tuyến 12 xuống tới khu vực quần đảo Trường Sa.

Những năm qua, không năm nào người ta không thấy tin tàu khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam hoạt động tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, đâm chìm hay bị đốt cháy. Trong khi đó, hàng đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ồ ạt đánh trộm nhưng chỉ bị Cảnh Sát Biển Việt Nam “nhắc nhở” hay “xua đuổi.”

Ngoài việc khai thác, giành giật nguồn lợi hải sản, Bắc Kinh còn muốn thông qua hàng ngàn tàu cá này như là một cách để khẳng định chủ quyền.

Nhà cầm quyền Việt Nam từng nhiều lần cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao “kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế” cấm đánh cá trên Biển Ðông trong đó có những khu vực thuộc biển Việt Nam.

Hồi Tháng Hai năm nay, truyền thông tại Việt Nam dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam “kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc điều chỉnh và áp dụng quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam.”

Bản tin này không nêu ra cái “điều chỉnh” và “quy chế mới” mà nhà cầm quyền Bắc Kinh ngang ngược áp đặt trên Biển Ðông là cái gì để bắt buộc “nghỉ đánh bắt cá trên biển” lại còn “phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam.” (KN)

MỚI CẬP NHẬT