Sunday, May 19, 2024

Hầu hết các báo ở Việt Nam ‘né’ tin Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Ngoài hai trang tin Phật Giáo và Giác Ngộ, gần như chỉ có báo Tuổi Trẻ và báo Một Thế Giới đưa tin Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc cao tăng uyên bác từng bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án tử hình, đã viên tịch lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, 24 Tháng Mười Một (nhằm ngày 12 Tháng Mười năm Quý Mão), tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, theo Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN).

Di ảnh và y bát của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Hình: Giác Ngộ)

Hai bản tin của Tuổi Trẻ và Một Thế Giới khá vắn tắt, chủ yếu nhắc đến sự nghiệp của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong giai đoạn trước 1975 và kể tên một số tác phẩm của ông để lại cho hậu thế.

Theo giới quan sát, việc hầu hết các báo còn lại ở Việt Nam né tránh tin nêu trên là khá dễ hiểu, vì lâu nay, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được coi là nhà bất đồng, còn GHPGVNTN là một tổ chức tôn giáo không được Việt Nam công nhận và thường xuyên đàn áp.

Trong khi đó, báo Giác Ngộ tường thuật chi tiết lễ nhập kim quan Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ diễn ra hôm 25 Tháng Mười Một tại chùa Phật Ân.

Theo bản tin, Hòa Thượng Thích Phước Trí, cựu phó trưởng Ban Nghi Lễ của Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, làm sám chủ tang lễ.

Cùng ngày, chư tăng Ban Kinh Sư cử hành các nghi thức khai kinh bạch Phật, thỉnh giác linh an vị, thọ tâm tang.

Một bản tin khác của báo Giác Ngộ cho hay trong di chúc, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dặn dò về việc tang lễ của ông “tổ chức bình thường, không đọc điếu văn, tiểu sử, không sổ tang, xin miễn phúng điếu, tràng hoa, liễn đối, tăng ni Phật tử viếng tang chỉ thắp nhang tưởng niệm…”

Sau đó, kim quan nhục thân của ông sẽ được trà-tỳ tại nhà hỏa táng Hòa Lạc Viên-Sala Garden ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Theo bản di chúc được lan truyền trên mạng xã hội, ý nguyện sau cùng của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là “rải tro cốt ra Thái Bình Dương để được tan theo biển, bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không.”

“Hư không hữu tận/ Ngã nguyện vô cùng,” bản di chúc viết.

Lễ nhập kim quan Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ diễn ra hôm 25 Tháng Mười Một tại chùa Phật Ân ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Hình: Giác Ngộ)

Theo Wikipedia, sau năm 1975, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam ở Sài Gòn. Đầu năm 1978 ông bị tù ba năm, đến năm 1980 thì được thả.

Ngày 1 Tháng Tư, 1984, ông bị bắt cùng với ông Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI) tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ ông Thích Tuệ Sỹ và ông Thích Trí Siêu là do hai ông là thành viên của GHPGVNTN, một tổ chức tôn giáo không được Việt Nam công nhận và thường xuyên đàn áp.

Tháng Chín, 1988, ông và ông Thích Trí Siêu bị Việt Nam tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng Mười Một, 1988, sau một cuộc vận động quốc tế, bản án giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 Tháng Chín, 1998, ông được thả về từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam.

Một năm sau, vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Hòa Thượng Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

Năm 1998 tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards cho ông Thích Tuệ Sỹ và bảy người Việt khác gồm có Hoàng Tiến, Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thụy, Thích Trí Siêu và hai người được giấu tên. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT