Thursday, March 28, 2024

Hòa Bình: Bỏ 15 tỷ đồng xây cầu để ‘làm cảnh’, dân vẫn phải lội suối

HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Được đầu tư tới 15 tỷ đồng, nhưng cầu xây xong chỉ có phần thân, không có đường dẫn lên cầu làm người dân ở xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi vẫn phải lội suối qua lại mỗi ngày.

Theo báo Người Lao Động ngày 26 Tháng Mười, cây cầu “làm cảnh” này là cầu xóm Cháo bắc qua suối Rộc, xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, có mức đầu tư 15 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và vốn đối ứng của địa phương. Cây cầu do Công Ty Xây Dựng Dịch Vụ Huy Hà (phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) thi công và hoàn thành vào năm 2016.

Tuy nhiên, điều quái lạ là cây cầu chỉ xây xong phần thân cầu rồi dừng lại để đó, còn đường dẫn lên cầu không được nhà thầu tiếp tục xây nên đến nay vẫn chỉ “để ngắm”, nằm phơi mưa nắng suốt hai năm qua.

Tờ báo này cho biết, cứ mỗi khi mưa lũ tràn về, nước dâng cao là người dân xã Kim Tiến phải chịu cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Các em học sinh buộc phải nghỉ học, người ốm không đến được bệnh viện, sản vật làm ra không bán được cho ai, hoặc phải liều mình lội qua suối, còn cây cầu tiền tỷ vẫn đứng đó…”làm cảnh.”

“Tôi chả biết ăn nói với dân thế nào nữa, cuộc họp nào dân cũng bức xúc, cũng phản ánh. Tôi chỉ biết tiếp thu, báo cáo ủy ban xã Kim Tiến, rồi lãnh đạo xã lại tiếp thu… Thực sự, tôi rất mong cây cầu nhanh chóng hoàn thành, để người dân có cầu đi, mùa đông giá rét năm nay, các cháu học sinh mà phải lội suối đi học thì xót xa lắm,” ông Bùi Trường Yên, trưởng xóm Cháo 2, xã Kim Tiến nói với báo Dân Trí.

Ông Quách Đình Vận, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Kim Tiến, cho biết cầu xóm Cháo rất quan trọng bởi nó nối liền đường 12B từ thị trấn Bo đến thác Mặt Trời (huyện Kim Bôi), phục vụ việc đi lại của hơn 1,000 hộ dân xã Kim Tiến và khai thác du lịch cho địa phương.

“Sau khi hoàn thành phần thân vào năm 2016, đến nay đường dẫn lên cầu vẫn chưa được làm xong là do ủy ban huyện Kim Bôi thiếu kinh phí đầu tư. Trước đây, khi chưa xây dựng cầu, người dân phải đi qua suối Rộc bằng đường ngầm tràn, dù đã xuống cấp nhưng xe cộ đi lại vẫn an toàn. Thế nhưng từ ngày làm cầu mới, đường ngầm tràn bị phá bỏ một đoạn, người dân phải bắc cầu tre qua suối khiến việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là các em học sinh nhỏ vẫn phải hằng ngày đến trường,” ông Vận nói.

Cũng theo ông Vận, việc xây cầu để “phơi mưa nắng” suốt hai năm qua gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển xã hội của địa phương. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT