Monday, March 18, 2024

Học sinh ở Quảng Trị mình trần băng sông đến trường

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Không có cầu đi, không có đò ngang, nhà ở bên kia sông Đăkrông nên nhiều học sinh tiểu học, và trung học ở xã Tà Rụt, huyện Đăkrông muốn đi học phải cởi quần áo rồi băng sông đến trường.

Theo tường thuật của báo điện tử VNExpress, ngày 22 Tháng Mười, thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đăkrông nằm trên vùng đất bằng phẳng, phía bên kia sông Đăkrông với 84 gia đình, trên 340 nhân khẩu, trong đó 70 học sinh ở các cấp.

Do không có cầu và đò ngang để qua lại, nhiều năm qua, học sinh hàng ngày phải lội qua sông Đăkrông rộng gần 100 mét sang trung tâm xã đi học tại hai điểm trường A Vương và A Đăng, thuộc trường tiểu học Tà Rụt.

Vào mùa Hè nước cạn ngang đầu gối người lớn, nên trẻ em vẫn phải lội nước đi học. Để khỏi ướt người các em cởi hết áo quần, cầm chung với cặp sách đưa lên cao khi băng qua sông. Qua đến bờ bên kia mặc lại quần áo rồi đến trường.

Vừa lội qua sông, em Hồ Văn Hiêng, học sinh lớp 5, sáng nào cũng phải lội đến trường. “Nhiều hôm dậy sớm, nước rất lạnh, rất sợ nhưng em vẫn phải đi,” em cho hay.

Còn chị Hồ Thị Chiêng (24 tuổi), mỗi ngày phải lội qua sông nhiều lượt để đưa đón con đi học và đưa nông sản ra đường lớn bán. Chị Chiêng từng chứng kiến khi nước lớn, nhiều cháu lội sông bị ngã, sách vở ướt hết, cặp cũng trôi.

Vào mùa lũ, người dân sáng tạo bằng cách bơm ruột xe hơi rồi cho trẻ ngồi lên, bố mẹ lội sông đẩy con đi học. “Những ngày lũ nước dâng cao, người dân không dám mạo hiểm nên phải cho con nghỉ ở nhà, có khi cả tuần lễ,” chị Chiêng kể.

Nói với báo điện tử VNExpress, ông Hồ Văn Nhiếp, chủ tịch xã Tà Rụt cho biết, huyện Đakrông có 8 thôn chưa có cầu qua sông, suối. Riêng xã Tà Rụt có thôn A Liêng sống trong vùng cô lập có số học sinh băng sông đến trường đông nhất.

“Hàng năm xã chỉ hỗ trợ áo phao, kết hợp tuyên truyền người dân không qua sông vào mùa mưa lũ. Trước mắt chỉ có vậy, bởi việc xây cầu lớn bắc qua con sông rộng hơn trăm mét vượt quá khả năng của xã,” ông Nhiếp nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT