Friday, April 26, 2024

Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố vì ‘đấu đá nội bộ’ CSVN

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khởi tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đấu đá quyền lực nội bộ chóp bu đảng CSVN, đồng thời làm trở ngại cả thương vụ mua bán võ khí giữa Israel và Hà Nội.

Báo Haaretz của Israel hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Năm, đưa tin như vậy khi “bật mí” những uẩn khúc trong vụ việc “khởi tố vụ án” và ra lệnh bắt giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, “nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty AIC” cùng với giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. (Hình: Tiền Phong)

Họ bị cáo buộc “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến sự thiệt hại khoảng $7 triệu cho nhà nước trong vụ đấu thầu xây dựng bệnh viện đa khoa của tỉnh Đồng Nai mấy năm trước, theo truyền thông tại Việt Nam đưa tin hôm 29 Tháng Tư.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Phan Huy Anh Vũ, thì thấy tờ Thanh Niên nói bị khám xét nhà và bắt giam. Nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì chỉ nói “ra quyết định khởi tố bị can” với bà này chứ không rõ rệt nói bà ta bị bắt.

Nói chung báo chí tại Việt Nam rất mập mờ trong vụ khám xét chỗ ở và bắt giữ bà Nhàn, khác hẳn những vụ bắt giữ nổi cộm khác khi báo chí nhà nước đăng tải tin tức kèm theo hình ảnh đương sự đứng nghe công an đọc lệnh bắt giữ.

Trong các bản tin khởi tố và lệnh bắt giữ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, như tờ Tuổi Trẻ, không thấy hình ảnh này.

Tờ Haaretz nói bà Nhàn đã chạy qua Âu châu ở trước khi xảy ra vụ khám xét chỗ ở và khởi tố, nhiều phần đã “đánh hơi” được sự nguy hiểm trong khi một Facebooker Việt Nam thì lại cho là bà ta đang ở Nhật. Nói cách khác, bà Nhàn chỉ bị khởi tố khiếm diện chứ không bị bắt.

Có vẻ, vụ khởi tố bà Nhàn qua vụ đấu thầu gian lận xây dựng bệnh viện ở Đồng Nai chỉ là cái cớ bề ngoài của một vụ việc chằng chịt giữa quyền lực và quyền lợi trong hậu trường chính trị CSVN.

Theo tờ Haaretz, xuất cảng các loại võ khí, trang bị an ninh của Isreal tới Việt Nam gia tăng chóng mặt mấy năm gần đây, có thể gặp trục trặc vì việc bắt giữ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà là nhân vật chính yếu vận động và môi giới các thương vụ mua bán võ khí cả thập niên vừa qua giữa Việt Nam với Israel.

Trong hơn 15 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường xuất cảng võ khí quan trọng của kỹ nghệ an ninh quốc phòng Israel. Hai nước ký thỏa hiệp kín (confidentiality agreement) hồi năm 2011 để tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng.

Hơn ba năm trước, một phái đoàn cấp cao của Isreal đã thăm viếng Việt Nam năm 2018. Trước đó, tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng CSVN cầm đầu phái đoàn sang Isreal thăm một số kỹ nghệ quốc phòng nước này.

Thương vụ quốc phòng giữa hai bên đã vượt quá $1 tỉ, và theo Haaretz, hiện đang có cuộc đàm phán để Hà Nội mua vệ tinh tình báo quân sự Ofek (Chân Trời) của công ty quốc phòng không gian IAI (Israel Aerospace Industries) sản xuất. Trị giá thương vụ khoảng $550 triệu.

Mấy tháng trước, một phái đoàn Isreal đã ký thỏa hiệp kỹ thuật cho thương vụ nhưng chưa hoàn tất được vấn đề tài trợ tín dụng. Tuy nhiên, tập đoan quốc phòng Pháp Thales cũng cạnh tranh với Isreal trong vụ bán hàng này của IAI với những nỗ lực được mô tả là quyết liệt để dành mối khách hàng.

Theo Haaretz, nguồn tin ở Việt Nam liên quan đến vụ khởi tố bà Nhàn nói lý do thật sự của vụ việc dính đến các vụ mua sắm quốc phòng. Nguồn tin nhấn mạnh rằng vụ khởi tố bắt nguồn từ đấu đá nội bộ giữa Thủ Tướng Phạm Minh Chính với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm và Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 53 tuổi, được coi là một nhân vật thân cận với ông Phạm Minh Chính. Báo chí tại Việt Nam từng nhiều lần ca ngợi bà này qua những lần bà nhận lãnh giải thưởng, hay vinh danh.

Thương vụ quân sự lớn nhất giữa Isreal và CSVN diễn ra cách đây 5 năm khi Hà Nội mua 3 giàn hỏa tiễn phòng không Spyder từ công ty Rafael Advanced Defense Systems trị giá hơn nửa tỉ đô la.

Một công ty khác của Isreal từng bán hệ thống dò xét an ninh cho Hà Nội, trị giá từ $20 triệu tới $30 triệu, từng bị cáo buộc là công an dùng để theo dõi, đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Nhiều thương vụ khác như IAI bán kỹ thuật và giúp nâng cấp xe tăng, hỏa tiễn cho CSVN trị giá hàng chục triệu đô la. Công ty Samy Katsav đã giúp CSVN xây dựng nhà máy trị giá $100 triệu để lắp ráp súng trường Tavor. Một công ty khác bán hệ thống kiểm soát, điều hành trị giá khoảng $60 triệu, một số trang bị không gian và viễn thông khoảng $30 triệu trị giá, từ công ty Elbit cho Hải Quân CSVN.

Triển lãm quân sự gồm các loại hỏa tiễn phòng không tại tỉnh Thái Nguyên năm 2019, có cả hỏa tiễn Spyder của Isreal. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Công ty IAI bán 3 máy bay không người lái quân sự Heron cho Việt Nam trị giá khoảng $140 triệu trong khi các công ty con của IAI bán các hệ thống radar trị giá $150 triệu bên cạnh 60 xe thiết giáp trị giá 20 triệu. Rồi một công ty khác kiếm được hàng chục triệu đô la khi bán các hệ thống giám sát trên không cho Hà Nội.

Bây giờ, bà Nhàn đang ở đâu vẫn còn là điều bí mật trong khi tương lai các vụ mua bán trang bị quốc phòng giữa CSVN và Isreal chưa biết sẽ ra sao.

Tờ Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Tư được mớm tài liệu khui ra một loạt những vụ trúng thầu ở nhiều lãnh vực khác nhau của “đế chế” AIC tức “Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế” của bà Nhàn. Nếu không phải là “sân sau” của những ai đó thì khó lòng hốt được những vụ trúng thầu lớn như vậy. Tuy nhiên, tờ Tuổi Trẻ không hề đả động gì hay không biết gì về cái lớn nhất, tức bà Nhàn và các môi giới hợp đồng trang bị quân sự cho CSVN.(TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT