Wednesday, April 24, 2024

Lại kêu ‘giải cứu’ 1,000 tấn mực khô bị Trung Quốc ngưng mua

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam vừa gửi công văn đến các bộ, ngành nhờ “giải cứu” khoảng 1,000 tấn mực khô của ngư dân bị phía Trung Quốc từ chối mua.

Báo Tuổi Trẻ hôm 4 Tháng Bảy, 2019, dẫn lời ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, cho hay trước đây mực khô được các thương lái thu mua, xuất cảng chủ yếu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc yêu cầu việc nhập cảng một số mặt hàng nông sản và ngư nghiệp, trong đó có mực khô phải theo đường chính ngạch.

Tờ báo cũng nói sở dĩ hải quan Trung Quốc không thông quan mực khô là do “sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu của nước này.”

Được biết lượng mực khô tồn đọng ở tỉnh Quảng Nam đến nay được ghi nhận khoảng 1,000 tấn và “còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do các tàu câu mực chưa cập bến.”

Thương lái không mua, mực khô tồn đọng ở tàu ngư dân. (Hình: Tuổi Trẻ)

Báo VNExpress giải thích việc cả ngàn tấn mực không bán được là do “ngư dân bị động về quy định mới của Trung Quốc” trong lúc giới chức tỉnh Quảng Nam “vẫn chưa tìm ra đầu mối để liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc thu mua hàng xuất cảng theo đường chính ngạch.”

Còn việc giới chức tỉnh Quảng Nam giúp được ngư dân đến đâu trong vụ này thì chỉ biết họ “đang tích cực liên hệ.”

Tờ Nông Nghiệp tường thuật: “Hồi Tháng Mười Một, 2018, hải quan cửa khẩu đường bộ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thông báo về việc tăng cường siết chặt chống gian lận thương mại, quản lý chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Theo đó, đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc sẽ bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo thỏa thuận đã ký giữa hai nước. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất cảng thủy sản sang Trung Quốc vẫn chủ quan, thậm chí thờ ơ, không bắt tay triển khai theo các yêu cầu về điều kiện theo quy định do là họ thấy thủy sản vẫn có thể đi đường tiểu ngạch bình thường như trước.”

Báo Thanh Niên cho hay, mực khô là sản phẩm chính của nghề câu mực khơi và chụp mực khơi của tỉnh Quảng Nam, với tổng sản lượng khai thác hằng năm khoảng 5,000 tấn. Quảng Nam hiện có 67 tàu cá hoạt động nghề câu mực khơi với khoảng 3,000 lao động…

Nhiều chiếc tàu câu mực phải nằm lại cảng An Hòa (xã Tam Giang) vì không bán được mực khô, không có chi phí đi biển lại. (Hình: Tuổi Trẻ)

Lâu nay, việc “giải cứu,” tức kêu gọi cộng đồng giúp tiêu thụ sản phẩm bị dội hàng, ế ẩm hoặc rớt giá thê thảm do Trung Quốc từ chối mua, đã có tiền lệ. Hầu hết các đợt “giải cứu” được người dân tự phát động, kêu gọi qua mạng xã hội.

Hồi năm ngoái, truyền thông nhà nước liên tiếp đưa tin về các vụ tỉnh Quảng Nam kêu gọi “giải cứu” dưa hấu, Quảng Trị “đề nghị mỗi công chức mua 9 ký ớt để giúp nông dân,” bên cạnh đó là các vụ “giải cứu” củ cải, bí đỏ… ở một số tỉnh, thành phía Bắc.

Báo VNExpress hồi Tháng Năm, 2018, dẫn lời “đại biểu Quốc Hội” Nguyễn Minh Sơn: “Giải cứu hết cuộc này đến cuộc khác, cứ thế này không ổn và với cách làm như hiện nay thì sẽ còn lặp lại. Xem lại việc tổ chức sản xuất nông sản theo tín hiệu thị trường, ngành Công Thương phải vào cuộc tốt hơn để người nông dân đỡ phải kêu gọi giải cứu.”

Trách nhiệm của Bộ Công Thương CSVN đến đâu trong các vụ “giải cứu” thì không được truyền thông nhà nước làm rõ.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, chỉ tính trong năm 2018, kim ngạch xuất cảng các mặt hàng nông lâm thủy sản vào Trung Quốc đạt $11 tỷ. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt chính sách nhập cảng “nhằm kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông lâm, thủy sản” nên kim ngạch xuất cảng của Việt Nam được ghi nhận “đang có xu hướng giảm sâu.” (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT