Thursday, April 25, 2024

‘Lên đời’ làng xã, dân miền Trung thêm khổ

THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Nhiều xã, thị trấn ở các tỉnh thành miền Trung được “nâng cấp” từ xã lên phường, từ thị trấn lên thị xã…đã khiến người dân kêu khổ do phải đóng thuế, phí tăng trong khi những lợi ích thụ hưởng do cơ sở hạ tầng không hề có.

Theo báo Người Lao Động ngày 12 Tháng Sáu, 2019, hiện nay nhiều đơn vị hành chính ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… đã được chính quyền Trung Ương cho “lên đời” để minh chứng sự phát triển của địa phương. Thế nhưng, việc này đã không mang lại cho người dân cuộc sống sung túc hơn mà ngược lại khiến người dân kêu khổ.

Năm 2009, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương. Đến hai năm sau, chính phủ ra nghị quyết thành lập thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà. Mỗi thị xã được thành lập năm phường từ việc nâng cấp các xã.

Tại thị xã Hương Thủy, bốn xã Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương dù được nâng cấp lên phường cách đây chín năm, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Chẳng hạn Hương Vân – một trong năm phường được thành lập từ xã của thị xã Hương Trà vào năm 2011, đến nay cuộc sống của người dân vẫn dựa vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng hầu như không thay đổi, đường sá xuống cấp nghiêm trọng. “Quê hương được nâng cấp đã gần mười năm nhưng cuộc sống chẳng thay đổi gì,” ông Trần Văn Truyền (ngụ tổ dân phố Lại Bằng, phường Hương Vân) nhận định.

Ông Châu Văn An, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Hương Vân, nhìn nhận cái được lớn nhất khi lên phường là từ bốn thôn thành lập ra bảy tổ dân phố để dễ quản lý. Thế nhưng, điều này dẫn đến phải thêm nhân sự và phát sinh chi phí trả lương.

“Cơ cấu kinh tế – xã hội của Hương Vân không khác gì chín năm trước đây, 70% dân số vẫn dựa vào nông nghiệp. Lên đô thị có ưu điểm là được đầu tư về vỉa hè, điện chiếu sáng… nhưng đến nay, hầu như chưa có mét vỉa hè nào. Tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đô thị cao hơn nhưng mức sống của người dân vẫn rất thấp,” ông An cho biết.

Tương tự, vào năm 2014, 13 đơn vị hành chính cấp xã là vùng nông thôn hẻo lánh của các huyện chưa phát triển trực thuộc thành phố Quảng Ngãi được “lên đời.”

Người dân Quảng Nam trải bạt nằm suốt đêm ở Công Ty Cổ Phần Bách Đạt An để đòi quyền lợi liên quan đến đất đai. (Hình: Tuổi Trẻ)

“Từ khi sáp nhập về thành phố Quảng Ngãi, khung giá tính thuế khi chuyển nhượng, mua bán nhà cửa đều tăng gấp đôi. Hồi trước, mình mua căn nhà chỉ đóng 3-4 triệu đồng ($128 -171) tiền thuế nhưng giờ đã nhảy vọt lên 6-7 triệu đồng ($256- 299) rồi. Trong khi đó, người dân ở đây không được hưởng những thuận lợi như ở khu vực trung tâm thành phố,” ông Nguyễn Văn Nam (ngụ xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi) cho biết.

Không chỉ các loại thuế tăng cao, đặc biệt khi nâng cấp các đơn vị hành chính đã làm nhiều vùng nông thôn phải đóng các loại phí, như phí ghi danh chủ quyền xe gắn máy tăng gần gấp đôi so với trước.

Chị Phùng Thị Dung (ngụ xã Tịnh Thiện, thành phố Quảng Ngãi) cho biết sau nhiều năm tích cóp được 40 triệu đồng ($1,713), chị mua một chiếc xe gắn máy đi làm. Khi đi làm thủ tục ghi danh xe, chị phải đóng gần hai triệu đồng phí.

“Nếu cũng giá trị chiếc xe đó, mình ghi danh ở các huyện chỉ khoảng 800,000 đồng ($34.2), đằng này phải đóng cao gấp đôi. Trong khi xã Tịnh Thiện là một vùng nông thôn, khá vắng vẻ, lại không thừa hưởng được những phúc lợi như người dân thành phố,” chị Dung bất bình nói.

Trong khi đó, năm 2015 huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) lên thị xã và theo đó bảy xã, thị trấn “lên đời” thành bảy phường.

Khoác lên mình cái mác “thị xã” cộng với vị trí địa lý thuận lợi khi nằm sát thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã khiến giá đất ở Điện Bàn lên cơn sốt, nhiều dự án, khu dân cư mọc lên, khiến nhiều người có nhu cầu thật sự gặp khó khăn khi muốn mua đất để xây nhà.

Ông Phan Văn Huyến, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), đánh giá từ khi thành phường, đời sống người dân tuy có cải thiện nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình, việc giải quyết giấy tờ liên quan đến hộ khẩu, trước đây người dân lên xã là có thể làm được, nhưng nay bắt buộc phải lên công an thị xã dẫn đến việc đi lại khó khăn.

Chưa hết, việc cấp phép xây dựng nhà ở của người dân, trước đây được ủy quyền cho xã, nay cũng phải chuyển lên thị xã khiến nơi đây quá sức, người dân phải chờ đợi lâu. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh, các hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai phát sinh nhiều, buộc cán bộ phải làm gấp 2-3 lần so với trước đây… (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT