Friday, April 26, 2024

Liên Âu gia tăng hiện diện trên Biển Đông

WASHINGTON, D.C. (NV) – Các nước trong Liên Minh Âu Châu (EU) sẽ gia tăng sự hiện diện trên Biển Đông phối hợp cùng với Mỹ để đối phó với sự bành trướng bá quyền của Trung Cộng ở khu vực.

Các nhà nghiên cứu và nguồn tin ngoại giao cho hay trong một cuộc thảo luận về an ninh khu vực Á Châu – Thái Bình Dương tổ chức ở Washington hôm Thứ Hai, 18 Tháng Ba, 2019, thấy thuật lại trên tờ South China Morning Post (SCMP).

Bà Liselotte Odgaard, một nhà nghiên cứu ở Âu Châu đang hợp tác tại viên nghiên cứu có tiếng là bảo thủ Hudson Institute ở Washington, cho rằng Liên Âu “đã bắt đầu dấu hiệu hiện diện tại khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.” Bà nói trong một cuộc thảo luận ở Washington về vai trò của Liên Âu ở khu vực.

Theo bà Odgaard, Liên Âu có chính sách tổng quát là chống lại chủ trương tuyên bố chủ quyền tham lam của Trung Cộng trên Biển Đông cũng như ủng hộ tự do hải hành. Tuy nhiên, họ không đi sâu vào những sáng kiến chính sách cụ thể mà để tùy chủ trương một số nước mà hiện nay đang thấy có sự gia tăng hành động.”

Theo lời bà, một số nước đã cử nhân sự tham gia trên các chiến hạm Pháp mấy năm gần đây, hậu thuẫn Liên Âu kêu gọi các nước tôn trọng luật lệ hàng hải quốc tế ở khu vực.

“Thí dụ như năm nay, Đan Mạch sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ và Pháp sẽ đưa một đội tàu đặc nhiệm với mẫu hạm đến khu vực Á Châu Thái Bình Dương,” bà Odgarrrd nói. “Điều đó cho thấy có sự gia tăng nỗ lực hiện diện của một số nước đã cùng đồng ý rằng chúng tôi nên có các hoạt động hậu thuẫn cho quyền tự do hải hành trên Biển Đông.

Bà nói một số nước Liên Âu nên tham gia tập trận với Ấn Độ và Nhật Bản “tuy không phải toàn thể Liên Âu nhưng là một nhóm nước nên thông điệp sẽ trên danh nghĩa Liên Âu chứ không riêng nước nào.”

Gân đây, chính phủ Anh Quốc có chương trình đưa mẫu hạm tới khu vực Á Châu – Thái Bình Dương và hiện đang tìm nơi đặt căn cứ ở khu vực. Trong khi đó, Pháp đang thảo luận các cuộc tập trận với lực lượng Nhật Bản.

Ông Patrick Cronin, giám đốc nghiên cứu về an ninh khu vực Á Châu – Thái Bình Dương của viện Hudson, cũng kêu gọi Châu Âu tham gia hoạt động tại khu vực để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật lệ quốc tế.

Trong một tài liệu công bố hồi tuần trước, Ủy Ban Liên Âu lần đầu tiên xác định Trung Cộng là “nước cạnh tranh kinh tế” và “nước đối thủ cổ võ các mô hình cai trị thay thế” kiểu mô hình dân chủ của Ấu Châu. Hiện đang có 10 đề án nhằm cân bằng quan hệ với Trung Cộng và củng cố sự đoàn kết của Liên Âu chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu của Châu Âu.

Thứ Năm, 21 Tháng Ba tới đây, các nhà lãnh đạo Liên Âu sẽ thảo luận về các đề án vừa kể khi họ họp thượng đỉnh. Vào dịp này lại có chuyến thăm viếng Pháp và Ý của Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm Đội 7, Hải Quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng Manila, Philippines hôm 13 Tháng Ba, 2019. (Hình: U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Dylan McKay)

Một nhà ngoại giao Châu Âu nói với báo SCMP rằng bên ngoài chuyện bất mãn về việc Bắc Kinh không cho thâm nhập thị trường Hoa Lục một cách cân bằng, cũng đang có những âu lo nghiêm trọng trong Liên Âu về chủ trương bành trướng tham lam của Bắc Kinh trên Biển Đông. Chính vì thế mà một số nước thành viên Liên Âu sẽ gia tăng hiện diện hải quân ở khu vực.

Từ đầu năm đến nay, người ta thấy chiến hạm Anh Quốc đã tham gia tập trận với Hải quân Hoa Kỳ hai lần trên Biển Đông. Họ đã cho chiến hạm đi gần đảo mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và đã làm Bắc Kinh tức giận.

Ông John Hemmings, giám đốc nghiên cứu Á Châu của tổ chức nghiên cứu Henry Jackson Society tại Anh Quốc, nói trong cuộc hội thảo nói trên tại Washington rằng Anh Quốc đang dự tính chính thức hóa đề nghị chính sách chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản.

Cuộc hội thảo tại Washington diễn ra khi Đề Đốc Phillip Sawyer, tư lệnh Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ, tại Manila, lập lại lời tuyên bố của nhiều viên chức cấp cao rằng lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục, bay, đi tàu tại bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép. Ông nói khi có ký giả của báo Philippines đặt câu hỏi liệu chính sách Mỹ có gì thay đổi nếu phải đối diện những vụ tương tự như đã xảy ra hồi Tháng Chín năm ngoái.

Cuối Tháng Chín, 2018, khu trục hạm USS Decatur đã phải đổi hướng để tránh va chạm khi bị một khu trục hạm Trung Quốc chận đường gần đảo nhân tạo Gaven, Trường Sa, Việt Nam. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT