Thursday, March 28, 2024

‘Lò ấp tiến sĩ’ của Việt Nam đầy sai trái

HÀ NỘI (NV) – Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của Học Viện Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội vừa bị cáo buộc làm sai quy định từ tuyển sinh đến đào tạo nên đang bị đề nghị “xem xét xử lý trách nhiệm…”

Vốn được mô tả là một “lò ấp tiến sĩ” giống như gà công nghiệp đẻ mỗi ngày một trứng, thanh tra của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo vừa xì ra cho một số tờ báo trong nước bản kết luận thanh tra. Trong đó nêu ra các điều sai trái, bất chấp quy định của những người cầm đầu một trong những cơ quan được giao trách nhiệm đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ ngay trong nước các chuyên ngành thuộc khoa học xã hội.

Bản kết luận thanh tra nói: “..người có bằng thạc sĩ các ngành Chính Trị Học, Hành Chính Học, Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, Quản Lý Khoa Học và Công Nghệ được dự tuyển cả 4 chuyên ngành Luật (Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính, Luật Hình Sự và Tố Tụng Hình Sự, Luật Kinh Tế, Tội Phạm Học và Phòng Ngừa Tội Phạm); Người có bằng thạc sĩ ngành Chính Sách Công, Quản Lý Công được dự thi chuyên ngành Kinh Tế Quốc Tế…” theo sự tường thuật của tờ Dân Trí hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tám 2017.

Về một số chương trình đào tạo, cái “lò” nói trên “thiết kế chung cho cả 4 ngành đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung hoàn toàn giống nhau.”

Các ông thầy được phân công làm thầy hướng dẫn cho nghiên cứu sinh (NCS) làm luận án thì không những ôm “quá tải” mà còn “hướng dẫn” làm luận án những ngành không phải chuyên môn của ông ta hay bà ta.

Tại một thời điểm có giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh, phó giáo sư hướng dẫn 9 nghiên cứu sinh, tiến sĩ hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh. Trong khi đó, theo quy chế, giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên cao học; còn ở bậc tiến sĩ, giáo sư hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh. Thậm chí có ông còn hướng dẫn tới 44 nghiên cứu sinh ở nhiều ngành khác nhau.

“Kiểm tra danh sách hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản Lý Giáo Dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định như tiến sĩ ngành Kinh Tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành Quản Lý Giáo Dục; Tiến sĩ ngành Nhân Học được phân công hướng dẫn 7 NCS ngành Dân Tộc Học,” Dân Trí kể lại.

Còn việc cấp phát bằng cấp thì “từ năm 2016, học viện đã tự in phôi bằng. Số phôi bằng đã in năm 2016 là 400 phôi bằng tiến sĩ và 1,710 phôi bằng thạc sĩ. Kiểm tra sổ cấp phát văn bằng cho thấy còn có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ; nhiều mục chưa có đầy đủ các thông tin theo đúng quy định…”

Bản kết luận thanh tra tại Học Viện Khoa Học Xã Hội nêu ra một danh sách dài các tội của các ông quan cầm đầu ngành giáo dục hậu đại học và khuyến cáo, “Chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Học Viện Khoa Học Xã Hội; có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm. Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm nêu trong kết luận thanh tra.”

Bệnh thành tích ảo, gian dối trong vấn đề giáo dục tại Việt Nam không phải mới bị phát hiện mà đã bị phơi bày suốt nhiều năm qua nhưng các lời hô hào “chấn chính” kể cả đề nghị “thuốc đặc trị” cũng đã từng có nhiều mà không thấy thay đổi thật sự.

Cách đây không lâu, người ta thấy thống kê có hơn 24,000 ông bà tiến sĩ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bản tin về những luận án tiến sĩ chỉ là sao chép của người khác, nội dung nghèo nàn không phải là một công trình nghiên cứu công phu. Ðó là không kể những mảnh bằng tiến sĩ dỏm mua từ những xưởng cung cấp bằng tiến sĩ (Diploma Mill) chẳng cần học một ngày cũng có. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Sài Gòn ngổn ngang vì dự án metro”

MỚI CẬP NHẬT