Thursday, April 25, 2024

Luật sư của công an nói văn bản kế hoạch tấn công Đồng Tâm ‘là tối mật’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trưa 10 Tháng Chín, ngày thứ tư của phiên tòa xử vụ Đồng Tâm, Luật Sư Nguyễn Hồng Bách phản đối yêu cầu công bố “Kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn, an ninh địa phương tại Đồng Tâm” của nhà cầm quyền CSVN liên quan vụ tấn công võ trang xảy ra hôm 9 Tháng Giêng.

Luật Sư Bách là người bảo vệ quyền lợi cho gia đình ba công an thiệt mạng trong vụ này.

Luật Sư Nguyễn Hồng Bách là người bảo vệ quyền lợi cho gia đình công an thiệt mạng trong vụ tấn công Đồng Tâm. (Hình: Zing)

VTC News dẫn phát ngôn của ông Bách tại phiên tòa: “Khi đưa ra đề nghị, phải xem xét các quy định của pháp luật liên quan thế nào, luật pháp quy định rất rõ, không có quyền tiếp cận kế hoạch, hành động của lực lượng chức năng. Bởi căn cứ vào Pháp Lệnh Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước, Nghị Định 33 hướng dẫn Pháp Lệnh, Thông Tư 33 của Bộ Công An, Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước, Nghị Định 26 quy định chi tiết Luật ảo Vệ Bí Mật Nhà Nước, Quyết Định 13/2010 quy định danh mục bí mật nhà nước đều cho thấy kế hoạch bảo vệ này thuộc danh mục bí mật, không thể công bố công khai.”

Trong phiên xử một ngày trước, nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo vụ Đồng Tâm lần lượt lên tiếng yêu cầu tòa phải công bố bản kế hoạch được đánh số 419A để làm rõ việc công an, cảnh sát cơ động tấn công vào Đồng Tâm có vượt quá chức năng, nhiệm vụ công vụ của họ hay không. Đồng thời, nhóm luật sư của các bị cáo cũng đòi tòa trả hồ sơ điều tra, dựng lại hiện trường ba công an thiệt mạng để làm rõ cái chết của họ. Yêu cầu này bị Luật Sư Bách phản đối do “làm như vậy là quá tàn bạo, gợi lại nỗi đau cho gia đình các nạn nhân [công an],” theo VTC News.

Luật Sư Ngô Anh Tuấn dẫn lại phát ngôn của chính mình ở phiên tòa trong biên bản đăng trên trang cá nhân: “Cần công bố, đánh giá, làm rõ kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm (“Kế Hoạch 419A”) của Công An thành phố Hà Nội. Đây không phải là văn bản mật và được chính Công An thành phố Hà Nội có công văn trả lời về sự tồn tại của nó thì không lý do gì mà không đưa vào hồ sơ vụ án để đánh giá tính hợp pháp, công vụ của những người thực hiện nhiệm vụ hôm xảy ra sự kiện.”

“Người dân và chúng tôi có quyền nghi ngờ kế hoạch này không có thực hoặc bất hợp pháp nếu văn bản này không được công khai. Điều này cũng để chứng minh rằng, trong hậu quả xảy ra, có phần trách nhiệm của lãnh đạo Công An thành phố Hà Nội đối với cán bộ, chiến sĩ của mình,” theo Facebook Tuan Ngo.

Phòng xét xử phiên tòa vụ Đồng Tâm. (Hình: VietnamPlus)

Luật Sư Ngô Anh Tuấn cũng ghi nhận ý kiến của đồng nghiệp tại phiên tòa, Luật Sư Lê Văn Luân: “Việc không công khai văn bản này [“Kế Hoạch 419A”] là sai quy định tố tụng, không làm rõ được tính công vụ của lực lượng tham gia. Từ việc mập mờ trong công vụ, người dân được đặt vào tình thế bị cô lập, không biết được tính chính đáng của thông tin nên người dân buộc phải phòng vệ.”

Từ phần tranh tụng của nhóm luật sư nêu trên, có thể thấy, mấu chốt của vụ án Đồng Tâm nằm ở tính chính danh, hợp pháp của bản “Kế Hoạch 419A” của Công An thành phố Hà Nội. Tuy vậy, khả năng lật ngược vụ án này của nhóm luật sư tranh tụng cho bị cáo gần như không thể, vì nhà cầm quyền CSVN đã nhất quyết “xử tội,” với việc Viện Kiểm Sát đề nghị hai án tử hình, một án chung thân dành cho hai con trai và một cháu nội ông Lê Đình Kình. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT