Friday, April 26, 2024

Malaysia dằn mặt ngư dân ngoại quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Malaysia vừa phá hủy một tàu đánh cá ngoại quốc vì xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận Malaysia kèm tuyên bố, đó là một thông điệp gửi cho các ngư dân ngoại quốc.

Các viên chức hữu trách của Malaysia không cho biết tàu đánh cá vừa bị phá hủy thuộc quyền sở hữu của ngư dân quốc gia nào nhưng cuối tuần vừa qua, tờ The Star của Malaysia loan báo, hải cảnh Malaysia vừa bắt giữ thêm một tàu đánh cá của Việt Nam và tống giam toàn bộ thủy thủ đoàn. Với cáo buộc xâm phạm và đánh bắt trái phép trong hải phận Malaysia, những ngư dân Việt Nam này sẽ bị phạt 100,000 RM.

Giống như Indonesia, Malaysia càng ngày càng mạnh tay với những tàu đánh cá ngoại quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận của mình. Ông Simon Hong, chủ tịch Hiệp Hội Ngư Dân Kota Kinabalu, nói với báo The Star rằng, so với năm ngoái, việc các tàu đánh cá ngoại quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận Malaysia đã khiến sản lượng hải sản mà các thành viên trong hiệp hội này đánh bắt được giảm 50% so với năm ngoái. Cũng vì vậy, năm nay, giá hải sản ở Malaysia đã tăng khoảng 60% so với năm ngoái.

Sự cứng rắn của nhiều quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ khiến ngư dân Việt Nam gặp thêm nhiều rủi ro hơn khi mưu sinh.

Dường như Việt Nam đang dẫn đầu các quốc gia Đông Nam Á về số lượng ngư dân và tàu đánh cá bị bắt giữ do xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác. Tuy Việt Nam chưa công bố bất kỳ thống kê nào liên quan đến thực trạng này, song dựa vào những thông tin trên hệ thống truyền thông Việt Nam và quốc tế, có thể ước đoán, số ngư dân Việt Nam bị ngoại quốc bắt giữ trong mười năm gần đây không dưới hàng chục ngàn và số tàu đánh cá bị tịch thu, phá hủy có thể tới hàng ngàn. Ngư dân Việt Nam giờ không chỉ bị cầm giữ ở nhiều quốc gia Đông Nam Á mà còn là tù nhân tại Úc, tại Papua New Guinea… vì vượt biển đến tận đó khai thác hải sản.

Có thể do sức ép của nhiều quốc gia Đông Nam Á, gần đây, chính quyền Việt Nam bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp có tính răn đe (ngưng cấp giấy phép khai thác thủy sản; không cho đóng mới hoặc chuyển nhượng trong vòng sáu tháng, hoặc nâng lên một năm nếu tái phạm; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thuyền trưởng, máy trưởng trong vòng sáu tháng nếu điều khiển tàu đánh cá xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác…).

Cuối tuần trước, đại diện Cục Kiểm Ngư thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam tuyên bố với báo giới, sẽ làm mọi cách để chấm dứt tình trạng ngư dân Việt Nam xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác.

Đáng chú ý là chính quyền Việt Nam chưa cho biết sẽ làm gì để giải quyết một trong những điểm cốt lõi và được xem là nguyên nhân chính khiến số vụ ngư dân Việt Nam xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác gia tăng.

Theo báo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp giữa đại diện Bộ Ngoại Giao, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi hồi cuối tuần trước, ông Nguyễn Quang Trung, phó chủ tịch huyện Bình Sơn – một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng ngư dân và tàu đánh cá bị ngoại quốc bắt giữ, giải thích sở dĩ ngư dân huyện này thi nhau xâm nhập, đánh bắt hải sản ở hải phận ngoại quốc vì tài nguyên biển ở ngư trường của Việt Nam đã cạn kiệt, trong khi nếu xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận ngoại quốc trót lọt, ngư dân có thể thu về từ ba đến năm tỉ đồng mỗi chuyến hải hành.

Ông Trung đề nghị chính phủ có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn chuyện lực lượng vũ trang của Trung Quốc rượt đuổi, tấn công tàu đánh cá Việt Nam hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam gia tăng tuần tra, bảo vệ chủ quyền để ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển.

Ông không nói thẳng nhưng cách tường thuật của truyền thông Việt Nam cho thấy, bởi vì chính quyền Việt Nam làm ngơ đối với việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân ở biển Đông, tình trạng ngư dân Việt Nam xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác mới bùng phát.

Cũng tại cuộc họp vừa kể, đại diện Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Quảng Ngãi xác nhận gần đây, Trung Quốc gia tăng việc rượt đuổi, tấn công ngư dân Quảng Ngãi khi họ khai thác hải sản tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa. Trong ba tháng vừa qua, có 21 tàu đánh cá với 136 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong đó có ba tàu đánh cá bị đâm, bị đập phá rồi chìm. (G.Đ)

Điểm tin buổi sáng ngày 31 tháng 8 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT