Friday, April 26, 2024

Một công an huyện ở Thanh Hóa xây ‘biệt phủ’ lậu 5,000 mét vuông

THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Chỉ được thuê 500 mét vuông đất nông nghiệp để xây dựng khu kinh doanh nông sản, nhưng một cán bộ công an huyện Vĩnh Lộc đã ngang nhiên xây cả khu “biệt phủ” không phép rộng hơn 5,000 mét vuông.

Theo báo Dân Việt, “biệt phủ” này của ông Phạm Văn Công, đại úy công an huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chủ của khu “biệt phủ” 5,000 mét vuông không phép nói được “anh em tạo điều kiện” và “khi có đoàn kiểm tra tới, có thể lách luật bằng việc mỗi gian cho vài bao gạo, ngô, khoai sắn.”

Từ thành phố Thanh Hóa tới xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, hỏi khu “biệt phủ” của ông Công, người dân ở đây ai ai cũng biết, và tỏ ra rất bất bình. Từ xa, khu “biệt phủ” hiện rõ với cánh cổng đồ sộ. Trước biệt thự chính là một hòn non bộ lừng lững. Bên trong “biệt phủ” còn có bể bơi, núi nhân tạo trông rất đồ sộ.

“Chúng tôi xây cái chòi, huyện, xã còn nắm được thì hà cớ gì cả một ‘biệt phủ’ rộng hơn 5,000 mét vuông lừng lững không phép mọc ngay sát quốc lộ 217 lại không có một cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý triệt để,” ông T., cán bộ quân đội nghỉ hưu, bực tức nói.

Anh Q., một người thợ xây tại khu “biệt phủ” này, khoe: “Công trình đã được chúng tôi xây dựng từ hơn một năm nay. Cũng khá lâu rồi, tôi mới được tham gia xây dựng dự án lớn thế này.”

Một phần nhà chính. (Hình: Dân Việt)

Báo Dân Việt cho hay, ông Công chỉ được Ủy Ban Nhân Dân huyện Vĩnh Lộc cho phép xây dựng khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp rộng 523 mét vuông. Thế nhưng, trên thực tế, tổng diện tích mà ông Công đã xây dựng khu “biệt phủ” là hơn 5,000 mét vuông.

Trên thực tế, cái gọi là “khu kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp” của ông Phạm Văn Công thực ra là một nhà xưởng nhỏ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông quốc lộ 217.

Ông Đỗ Trọng Xuân, chủ tịch xã Vĩnh Thành, cho biết: “Công trình của ông Phạm Văn Công xây dựng được hai tháng thì chúng tôi lập biên bản và xử phạt 3 triệu đồng (hơn $131). Thời điểm đó, ông Công nói với chúng tôi sẽ lo được đầy đủ thủ tục.”

“Tới thời điểm này, ông Công mới chỉ được phê duyệt 523 mét vuông để xây khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp. 4,590 mét vuông mà ông Công trồng cây, đào ao nuôi cá, xây tường kiên cố vẫn hiện vẫn là diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả chưa được chuyển đổi để xây những hạng mục trên,” ông Xuân cho biết thêm.

Nói với báo Dân Việt, ông Phạm Văn Công xác nhận: “Tôi thừa nhận, công trình này là của tôi. Khu đất nông nghiệp này, tôi mua của một số gia đình khác rồi gộp thành. Nói thật, không phải ai cũng dám mua ở đây. Cũng nhờ mấy năm qua, việc kinh doanh mỏ cát thuận lợi nên tôi mới tích góp xây dựng được cơ ngơi này để vợ chồng ở.”

Khu biệt phủ nhìn từ ngoài. (Hình: Dân Việt)

“Sai phạm của tôi là phần ngôi nhà nằm trên diện tích đất chưa được chuyển đổi (4,590 mét vuông), phần mái công trình xâm phạm hành lang an toàn quốc lộ 217. Công trình này, tôi xây đã hơn một năm nay nên nếu nói không có cơ quan chức năng nào biết thì không phải. Chẳng qua, tôi được các anh em tạo điều kiện. Nếu có đoàn kiểm tra tới, tôi có thể lách luật bằng cách cho vài bao gạo, ngô, khoai sắn… vào là thành kho chứa nông sản,” ông nói.

Một lãnh đạo công an huyện Vĩnh Lộc khẳng định: “Ông Công là đảng viên, không ai cấm đảng viên làm doanh nghiệp. Tuy nhiên, có làm gì thì làm cũng phải chấp hành đúng quy định pháp luật. Ông Công xây dựng công trình đó không báo cáo công an huyện nên sai thì cứ chiếu theo quy định của pháp luật mà phân xử. Công an huyện đang làm báo cáo giám đốc công an tỉnh về việc của ông Công. Quan điểm của chúng tôi là không bao che, xử lý nghiêm, khách quan.”

Còn ông Đào Trọng Quy, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Thanh Hóa, nói: “Dù là diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển đổi thì cũng chỉ được phép trồng cây chứ sao được phép xây nhà cửa kiểu vậy. Đằng này, đất mà ông Phạm Văn Công xây dựng công trình trên đó còn chưa được chuyển đổi hết thì lại càng không được phép. Nếu cán bộ nào cũng như ông Công thì loạn. Làm thế là sai.”

Trong khi đó, ông Phạm Văn Công tự tin nói: “Tôi nghiên cứu kỹ rồi, tới đây, chủ tịch huyện, thị sẽ có thẩm quyền ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả từ 20,000 mét vuông trở xuống để cho thuê 50 năm. Tôi sẽ trình chủ tịch huyện Vĩnh Lộc chuyển đổi toàn bộ số diện tích 4,590 mét vuông này là được.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT