Friday, April 19, 2024

Dân biểu liên bang giúp người biểu tình chống Formosa bị Mỹ bác đơn xin tỵ nạn

Cát Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Một người Việt Nam từng tham gia biểu tình phản đối Formosa, hiện đang ở trại giam di trú tiểu bang New Mexico, bị Tòa Án Di Trú Mỹ bác đơn xin quy chế tị nạn và có thể bị trục xuất về nước.

Ông Hà Văn Thành, sinh năm 1982, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, là người từng tham gia biểu tình phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung Việt Nam năm 2016, đã đào thoát khỏi Việt Nam đến Mỹ xin tị nạn. Tuy nhiên, Tòa Án Di Trú Mỹ hôm 10 Tháng Năm, 2019, đã từ chối cấp quy chế tị nạn của ông Thành và ra phán quyết trục xuất. Thời hạn tòa di trú Mỹ cho ông là 30 ngày, kể từ ngày 10 Tháng Năm.

Thứ Hai, 10 Tháng Sáu tới đây, là ngày cuối cùng và ông có thể bị trục xuất.

Những người lên tiếng can thiệp cho ông Hà Văn Thành đã liên lạc với văn phòng của thị trưởng thành phố Westminster, và Thị Trưởng Tạ Đức Trí cho biết ông đã chuyển hồ sơ của ông Thành đến Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal vào hôm 5 Tháng Sáu.

Ông Tạ Đức Trí nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Sau khi nói chuyện với chị Thanh Tâm, một người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam và anh Tùng ‘Cồn Dầu,’ chúng tôi liên lạc với văn phòng dân biểu liên bang, đơn vị 47 là Dân Biểu Alan Lowenthal. Chúng tôi có nói chuyện trực tiếp với ông Lý Vĩnh Phong là nhân viên cao cấp trong văn phòng ông Alan. Chúng tôi có yêu cầu văn phòng ông hãy cố gắng làm mọi cách để có thể can thiệp cho ông Hà Văn Thành không bị trục xuất về Việt Nam. Theo tôi được biết là ông Thành phải làm một đơn kháng án để xin cứu xét. Đây là một trường hợp rất khẩn cấp.”

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh. (Hình: Reuters)

Chiều Thứ Sáu, 7 Tháng Sáu, nhật báo Người Việt liên lạc văn phòng Dân Biểu Alan Lowenthal. Đại diện văn phòng, ông Lý Vĩnh Phong xác nhận đã biết đến trường hợp của ông Hà Văn Thành và Dân Biểu Alan Lowenthal đang thực hiện những biện pháp vận động để giúp ông Thành.

Sáng Thứ Bảy, Dân Biểu Alan Lowenthal trả lời nhật báo Người Việt qua email về trường hợp hiện tại của ông Hà Văn Thành: “Trước hết, có lẽ không thể xem ông Hà Văn Thành  là người nhập cư bất hợp pháp, mà là người xin quy chế tị nạn vì ông tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ. Ông xin tị nạn tại cửa khẩu biên giới Hoa Kỳ. Vấn đề chúng tôi đang giải quyết là qua lời khai của ông Thành với Tòa Án Di Trú và các tài liệu được cung cấp cho vụ án của mình, ông Hà Văn Thành đã không thể thuyết phục được thẩm phán về tính hợp pháp của lý do xin tị nạn. Do đó, trường hợp của ông đã bị từ chối.”

“Chúng tôi được biết ông Thành đã nói chuyện với một người của Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng đơn kháng cáo của ông với Tòa Kháng Án về Di Trú (BIA) cũng bị từ chối vào ngày 10 Tháng Năm, 2019 và ông sẽ bị trục xuất sau 30 ngày,” ông Lowenthal cho hay.

Khi được hỏi rằng những biện pháp nào được xem là tốt nhất vào lúc này để trì hoãn việc ông Thành bị trục xuất, ông Alan Lowenthal cho biết: “Thật đáng tiếc là tôi chỉ biết đến trường hợp này trong vài ngày qua. Thời gian tôi có rất ít ỏi để biện hộ cho ông Hà Văn Thành. Từ khi biết về trường hợp này, văn phòng của tôi đã cố gắng liên lạc với Bộ An Ninh Nội Địa và Bộ Tư Pháp. Tuy nhiên, các cơ quan yêu cầu một lá thư đồng ý bảo mật có chữ ký của ông Hà Văn Thành để thảo luận chi tiết về vụ việc của ông ấy với văn phòng của tôi.”

“Chúng tôi vẫn đang chờ lá đơn đó từ ông Thành và luật sư của ông. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể, trong một khoảng thời gian rất ngắn để hỗ trợ ông Hà Văn Thành. Tuy nhiên, điều quan trọng là ông ấy phải nhanh chóng kiến nghị xem xét lại quyết định của BIA trước ngày cuối cùng của thời hạn 30 ngày. Tôi cũng đã nhắn gửi luật sư của ông ấy điều này,” vị dân biểu liên bang trả lời Nhật Báo Người Việt.

Nhật báo Người Việt liên lạc với người mà ông Tạ Đức Trí nhắc đến, đó là ông Tùng và được ông cho biết: “Họ phỏng vấn và họ không chấp thuận. Hiện bây giờ chúng tôi cố gắng bằng mọi cách can thiệp để trước hết họ trì hoãn việc bắt anh Thành về Việt Nam, vì bị trục xuất về Việt Nam là chắc chắn anh sẽ bị bắt. Chúng tôi vận động giới chức và văn phòng Bộ Ngoại Giao Mỹ, cũng như là văn phòng của Dân Biểu Alan Lowenthal để nhờ Quốc Hội lên tiếng, thứ nhất là chặn đứng việc trục xuất và thứ hai là giúp anh quy chế tị nạn.”

Trong lúc đó, Đài Á Châu Tự Do ở Washington, D.C., có liên lạc với Luật sư Khanh Phạm, là luật sư trợ giúp pháp lý cho ông Hà Văn Thành để hỏi về lý do vì sao tòa di trú ở thành phố Chaparral, New Mexico, từ chối không đồng ý cho ông Hà Văn Thành quy chế tị nạn.

Xin trích thuật phần trả lời của Luật sư Khanh Phạm với Đài Á Châu Tự Do như sau: “Lúc ra tòa đã nộp hết bằng chứng anh Thành đưa, gồm giấy triệu tập và những là thư của linh mục gửi qua để trình bày về chuyện anh Thành bị đánh đập… Và cũng có đơn tường trình của anh Thành gửi vào nữa. Các bằng chứng này đã nằm trong hồ sơ hết rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa là quan tòa sẽ ra phán quyết dựa vào các bằng chứng trong hồ sơ, mà quan tòa còn hỏi anh Thành những câu hỏi liên quan các bằng chứng đã đưa ra thì có nhiều lúc anh Thành không trả lời đúng, hay quan tòa hỏi một câu mà anh Thành không biết trả lời như thế nào. Vì vậy, vào cuối phiên tòa, bà thẩm phán nói rằng có thể sự việc đã xảy ra nhưng bà không tin về lời nói của anh Thành. Tôi cũng giúp anh Thành kháng kiện rồi và tòa BIA (The Board of Immigration Appeals: Tòa Kháng Án Về Di Trú) cũng nói là một khi quan tòa không tin tưởng lời nói thì khó kháng kiện được.”

Ông Hoàng Đức Bình, người đang chịu 14 năm tù giam vì biểu tình phản đối Formosa. (Hình: Facebook Hoàng Bình)

Theo lời của ông Tùng, nhóm người vận động cho ông Thành có đưa ra trường hợp của ông Hoàng Đức Bình và ông Nguyễn Nam Phong. Hai người này đã cùng xuống đường tuần hành phản đối Formosa và cùng với hàng trăm nạn nhân của thảm họa môi trường biển khiếu kiện đòi bồi thường thỏa đáng.

Ông Hoàng Đức Bình sau đó bị chính quyền địa phương khởi tố và tuyên án tù 14 năm tù giam. Ông Nguyễn Nam Phong bị tuyên án 2 năm tù giam.

Mặc dù đã đưa ra những bằng chứng như thế, nhưng theo lời ông Tùng, Tòa Kháng Án Về Di Trú vẫn cho rằng ông Hà Văn Thành trở về Việt Nam sẽ bị bắt giam và kết án tù “chỉ là một giả thuyết.”

Vào Tháng Tư, 2016, công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả chất thải độc ra môi trường biển khiến hàng trăm tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Formosa đã xin lỗi và bồi thường $500 triệu. Nhưng đến nay, nhiều người dân ở khu vực bốn tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế cho biết họ vẫn còn phải chịu hậu quả. Rất nhiều ngư dân phải bỏ biển, bỏ xứ để tìm nơi khách mưu sinh. (Cát Linh)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT