Friday, April 26, 2024

Mỹ gia tăng bay giám sát trên Biển Đông trong Tháng Bảy

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các loại phi cơ trinh sát, săn tàu ngầm của Mỹ gia tăng hoạt động trên Biển Đông trong Tháng Bảy, một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc “báo động.”

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Hai, 3 Tháng Tám, dẫn tin tức từ một tổ chức nghiên cứu của nhà cầm quyền Bắc Kinh nói rằng, Mỹ đã cho 67 máy bay các loại bay trinh sát trên Biển Đông trong Tháng Bảy, nhiều gấp đôi số phi vụ so với Tháng Năm trước đó.

Theo tổ chức South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (SCSPI) trực thuộc Đại Học Bắc Kinh, các loại máy bay được Hải Quân Mỹ sử dụng tuần tra trên Biển Đông gồm P-8A Poseidon, EF-3E trinh sát và tác chiến điện tử, và loại máy bay không người lái MG-4C.

Ngoài sự gia tăng tần suất trinh sát trong Tháng Bảy, tổ chức SCSPI nói rằng: “Có 13 phi vụ trinh sát Biển Đông về đêm. Có chín máy bay Mỹ bay 70 hải lý cách đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc, sáu máy bay cách 60 hải lý và một máy bay thậm chỉ chỉ cách đường cơ sở có 40 hải lý.”

SCSPI cho hay, sự thay đổi phản ảnh chủ trương của Mỹ từ “phòng ngừa” sang thành “đối phó,” đồng thời báo hiệu họ đang chuẩn bị cho hành động quân sự. Tất cả những dấu hiệu đó “báo hiệu mạnh mẽ ý định chuẩn bị chiến trường.”

Giám đốc SCSPI, ông Hu Bo (Hồ Ba), nói với tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Tám, rằng ông ta lo ngại khả năng gia tăng xung đột quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ trên Biển Đông vì “dựa vào mối quan hệ tổng thể hiện nay giữa hai nước, nếu một biến cố trên biển hay trên không xảy ra, các vụ xung đột nhiều phần không được kiểm soát hiệu quả sẽ dẫn đến leo thang.”

Bởi vậy, theo ông ta, những yếu tố bất định trong các giao tiếp quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ “trở nên lớn hơn và nguy cơ cao hơn.”

Trong khi Bắc Kinh báo động về hành động “chuẩn bị chiến tranh” của Mỹ, trên mạng Twitter, giới chuyên viên theo dõi tình hình khu vực cho hay Trung Quốc cho một nhóm 4 chiếc máy bay khu trục đa năng Sukhoi- SU-30MKK bay liên tục 10 tiếng đồng hồ vừa đi vừa về (nhờ tiếp dầu trên không) từ căn cứ quân sự ở Nam Ninh, Quảng Tây Choang, tới đảo nhân tạo Subi tại quần đảo Trường Sa.

Video clip của nhóm phi cơ chiến đấu Trung Quốc này xuất hiện trên mạng truyền hình Trung Quốc, được phổ biến lại trên Twitter. Những ngày cuối Tháng Bảy sang đầu Tháng Tám, Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô ở phía tây bán đảo Lôi Châu kéo dài tới chín ngày trong khi tập đoàn thống trị tại Bắc Kinh vẫn chửi Mỹ là đưa các nhóm mẫu hạm nguyên tử tới Biển Đông tập trận, gây mất ổn định ở khu vực.

Chiến đấu cơ Sukhoi SU-30MKK của Trung Quốc bay tới đảo nhân tạo Subi tại quần đảo Trường Sa. (Hình: Twitter)

Thứ Sáu tuần qua, Bắc Kinh cho phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Ren Guoqiang (Nhậm Quốc Cường) họp báo cáo buộc Mỹ “vi phạm cam kết không đứng về phe nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, ngang nhiên đả kích Trung Quốc vô căn cứ, cũng như gây hiềm khích giữa các nước ở khu vực, lại còn đưa hai mẫu hạm hoạt động trên Biển Đông.”

Nhậm Quốc Cường cáo buộc rằng, những hành động đó “hoàn toàn phơi bày đầu óc bá quyền và mâu thuẫn” vì vừa tự coi như trọng tài lại vừa là kẻ “gây trở ngại cho hòa bình, hợp tác ở khu vực và cả quan hệ quốc tế.”

Ông ta tảng lờ chuyện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, cướp bảy bãi đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa năm 1988.

Những năm gần đây, Bắc Kinh cho bồi đắp, biến các bãi đá ngầm đó thành các căn cứ quân sự khổng lồ trên biển trong mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông, bất chấp cam kết giữ nguyên trạng các khu vực tranh chấp chủ quyền với các nước ASEAN.

Bắc Kinh là thủ phạm gây ra mất ổn định trên Biển Đông nhưng vẫn đổ vạ ngược cho Mỹ theo kiểu vừa đánh trống vừa ăn cướp. (TN) [kn]

 

MỚI CẬP NHẬT