Thursday, April 25, 2024

‘Người nông dân cầm súng’ giữ đất ở Đắk Nông bị tử hình

ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Ngày 3 Tháng Giêng, sau khi Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng tranh chấp đất đai hồi năm ngoái, nhiều người dân đã gây hỗn loạn ngay trước cửa tòa án để phản đối phán quyết của tòa.

Bản án tử hình dành cho ông Hiến, 41 tuổi, trong vụ xả súng khiến 16 người thương vong xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, hồi Tháng Mười, 2016, không chỉ người dân tại chỗ phẫn nộ, mà truyền thông và mạng xã hội Việt Nam cũng tranh cãi gay gắt.

Hôm 6 Tháng Giêng, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Phạm Công Hùng, cựu thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Sài Gòn: “Những người đẩy Hiến vào con đường cùng không ai khác là chính quyền địa phương, là sự tắc trách, vô cảm của những cán bộ, trong thời gian dài vì lý do nào đó đã không giải quyết được sự bức xúc giữa những người nông dân (trong đó có Hiến) với phía công ty Long Sơn (trước khi có vụ xả súng đã nhiều lần san ủi, phá hủy cây cối và nhà cửa của người dân trong khu vực nêu trên, trong đó có gia đình ông Hiến). Sự vô cảm và thiếu trách nhiệm ấy đã dồn ép người dân dẫn đến họ phải tìm cách phản kháng như lời khai của các bị cáo tại tòa.”

“Hiến không phải kẻ máu lạnh mà là một nông dân chân chất như bao người khác nhưng vì đâu bị cáo lại phải chuẩn bị súng tử thủ để đến nỗi gây ra vụ trọng án. Những nạn nhân trong vụ án cũng là con em nông dân, chỉ có điều vì miếng cơm manh áo họ đã mặc lên người chiếc áo công nhân của công ty Long Sơn. Họ được tập hợp và được chỉ đạo mang máy móc, vũ khí vào trấn áp, san ủi đất theo sự chỉ đạo và tính toán của những người đứng đầu công ty Long Sơn. Họ cũng là nạn nhân đáng thương dưới họng súng của những người khốn cùng. Vậy sao cơ quan tố tụng và cơ quan có thẩm quyền không truy đến cùng nguồn gốc của hành vi phạm tội?,” ông Hùng được báo Pháp Luật TP.HCM trích lời.

Luật Sư Nguyễn Kiều Hưng được báo Zing trích dẫn: “Nguyên nhân gây án của bị cáo Hiến là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân và công ty Long Sơn. Do đó, tòa bác tình tiết ‘phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân’ đối với ông Hiến cũng thiếu cơ sở. Ông Hiến phạm tội do bị ức chế, dồn nén bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn trong 10 năm qua. Ông Hiến bị dồn vào đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình.”

Luật Sư Trần Vũ Hải đưa bình luận về bản án tử cho Đặng Văn Hiến trên trang Facebook cá nhân: “Bị cáo đã ra đầu thú sau vận động của nhà báo và luật sư, sau khi đã bắn chết ba bảo vệ của công ty tổ chức cướp đoạt đất và tài sản của họ, nhưng ban đầu núp danh ‘cưỡng chế giải tỏa đất.’ Lẽ ra mấy ông kễnh của chính quyền địa phương ở đây phải ra tòa vì đã tiếp tay cho những kẻ cướp đất dẫn đến hậu quả hỗn loạn và thảm kịch này. Nhưng tòa tỉnh thay vì yêu cầu khởi tố những kẻ như vậy đã tuyên tử hình người buộc phải thực hiện quyền bảo vệ tài sản và chống trả bạo quyền, chắc chắn nhằm răn đe những người chống lại sự tước đoạt đất đai vì lợi ích nhóm ở tỉnh này. Hy vọng Tòa Cấp Cao tại Sài Gòn khi xử phúc thẩm sẽ không bị ảnh hưởng từ những thế lực hắc ám địa phương, sẽ ra một bản án công bằng!” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT