Monday, April 29, 2024

Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đón Tập Cận Bình sau khi tiếp Biden?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một dấu hiệu cho thấy có vẻ như Hà Nội chuẩn bị đón Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10 và 11 Tháng Chín.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) hôm Thứ Ba, 5 Tháng Chín, viết rằng Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã “tiếp Trưởng Ban Liên Lạc Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu thăm và làm việc tại Việt Nam.”

Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban Liên Lạc Đối Ngoại Trung Ương Trung Quốc. (Hình: TTXVN)

Toàn bộ bản tin vừa kể chỉ thấy ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước “phát triển tốt đẹp và có nhiều tiến triển thực chất, nhất là khi hai nước đang cùng nhau kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối Tác Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện 2008-2023.” Từ đó “đưa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai nước lên tầm cao mới.”

Chuyến thăm Việt Nam của ông Lưu Kiến Siêu diễn ra chỉ năm ngày trước khi Tổng Thống Mỹ Joe Biden đặt chân tới Hà Nội cho người ta cảm giác bất thường.

Mục đích chuyến đi của ông Siêu nằm ngoài những lời tuyên truyền sáo ngữ tình nghĩa hai đảng Cộng Sản trên TTXVN.

Tin tức cho hay ông Biden dự trù gặp ông Nguyễn Phú Trọng để ký kết nâng cấp mối quan hệ song phương Mỹ từ “Đối Tác Toàn Diện” lên thành “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Nam Hàn và Ấn Độ.

Tuy Bắc Kinh vẫn nín lặng, không đả kích trực tiếp chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ, chỉ một ngày trước, Bắc Kinh cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mao Ninh đả kích Mỹ là “hãy rũ bỏ cái đầu óc chiến tranh lạnh” kiểu “kẻ này thắng tất cả thì người kia thua hết.”

Bà Mao Ninh bình luận như vậy về chuyến đi Á Châu của tổng thống Mỹ dự hội nghị G20 ở Ấn Độ rồi qua thăm Việt Nam mà nhiều nhà phân tích thời sự cho là ông tranh giành ảnh hưởng ở khu vực ASEAN với Bắc Kinh.

Nhà cầm quyền CSVN nhiều hơn một lần ca tụng chiến lược “ngoại giao cây tre” của mình, khi nghiêng bên này, khi ngả bên kia nhưng không ngả hẳn về bên nào. Thông thường, một số viên chức ngoại giao cấp cao sang một nước khác thảo luận trước để sắp xếp chuyến thăm của lãnh tụ nước mình. Toàn bộ lịch thăm viếng được thỏa thuận trước từ gặp ai, tới đâu, ký kết cái gì.

Hiểu như vậy, Lưu Kiến Siêu đến Hà Nội không phải để ca tụng mối quan hệ “đồng chí anh em” ràng buộc bằng “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà đi với một sứ mệnh, trong trường hợp này rất có thể chuẩn bị cho một cấp cao hơn, hoặc Chủ Tịch Tập Cận Bình hay Thủ Tướng Lý Cường, thăm Việt Nam. Bắc Kinh không thể để nước “phên dậu” mặt Đông Nam có vị trí chiến lược quan trọng rơi vào quỹ đạo Mỹ.

Vài tuần trước, một số nhà phân tích thời sự quốc tế dẫn các nguồn tin không chính thức nói rằng có thể ông Tập Cận Bình đi Việt Nam ngay trước hoặc sau vài tuần lễ chuyến thăm của ông Biden. Vì đã cận kề với lịch tiếp ông Biden mà ông Lưu Kiến Siêu mới đến nên nếu ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam thì chỉ có thể xảy ra sau đó.

Khi ông Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh ngay sau khi ông Tập Cận Bình “đắc cử” nhiệm kỳ thứ ba, ông Trọng đã mời ông này thăm Việt Nam ngay trong năm nay và đã được “vui vẻ nhận lời,” theo guồng máy tuyên truyền CSVN tường thuật.

Với những diễn biến cạnh tranh ảnh hưởng khu vực liên tiếp hiện ra, ông Tập Cận Bình có thăm Việt Nam hay không sẽ là chỉ dấu cho hiểu chiều hướng quan hệ của hai nước Cộng Sản “đồng chí anh em” đi lên hay đi xuống.

Giữa tháng trước, khi tiếp Phó Thủ Tướng CSVN Trần Lưu Quang ở Vân Nam, Trưởng Ban Đối Ngoại kiêm Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị lập lại lời thúc giục Hà Nội nắm tay nhau “duy trì lý tưởng Cộng Sản, chống sự can thiệp của các thế lực bên ngoài” tức ám chỉ Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Dịp này, báo chí tuyên truyền CSVN đã dẫn lại lời ông Trần Lưu Quang lập lại những lời thề thốt của các lãnh đạo CSVN “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị” với Trung Quốc dù vẫn có những căng thẳng tại Biển Đông, tranh chấp chủ quyền biển đảo và khai thác dầu khí.

Dân Hà Nội biểu tình chống chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2015. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Mới đây, ngày 25 Tháng Tám khi thăm cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã lập lại lời thề bồi với Đại Sứ Trung Quốc Hùng Ba là “luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ Việt-Trung.”

Một số nhà phân tích thời sự nhận định, dù có ký thỏa hiệp “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với Mỹ, không có nghĩa CSVN sẽ nghiêng theo quỹ đạo Washington và lại càng không thể chống lại Bắc Kinh vì “nước ở xa không chữa được lửa gần.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT