Friday, April 19, 2024

Nguyễn Phú Trọng dọa Nguyễn Thị Thanh Nhàn: ‘Chạy đàng trời’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Người đứng đầu đảng CSVN vừa đe dọa một người đang không biết ở đâu nhưng bị xử án khiếm diện là “Có mà chạy đàng trời, trốn cũng không được.”

Ngày Thứ Bảy, 13 Tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, có tiếp xúc cử tri theo thông lệ trước và sau mỗi khóa họp Quốc Hội. Ông Trọng và các đảng viên cấp cao cả nước đều là đại biểu Quốc Hội “đảng cử dân bầu” mỗi năm chỉ họp có hai lần ngắn ngủi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, bị xử khiếm diện 30 năm tù hồi Tháng Giêng, hiện không biết ở đâu. (Hình: Tập đoàn AIC)

Các đại biểu thường chỉ gặp cử tri trước và sau mỗi khóa họp một lần. Đa số những cử tri này đều là những đảng viên sống ở địa phương được lựa chọn từ trước. Các câu hỏi, chất vấn đại biểu cũng đều được mớm lời, duyệt xét trước chứ không phải muốn hỏi gì thì hỏi. Những cuộc tiếp xúc này đều được dàn dựng nhằm mục đích đăng báo tuyên truyền.

Tại cuộc tiếp xúc nêu trên, trả lời cho câu hỏi về đối phó với tham nhũng và các vụ án tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua vẫn còn làm dư luận bàng hoàng, ông Nguyễn Phú Trọng được báo Vietnamnet thuật lời nhìn nhận có một số bị cáo đã trốn đi nước ngoài nên đành phải xử vắng mặt. Những người bị xử vắng mặt gần đây nhất, không thấy ông Trọng nêu tên, nhưng người ta hiểu ngay ông ám chỉ gồm cả bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch công ty Tiến Bộ Quốc Tế (AIC), bị kết án 30 năm tù qua một phiên tòa hồi Tháng Giêng vừa qua.

Theo Vietnamnet tường thuật lại lời nói của ông Trọng thì “khi những cá nhân chạy trốn, bị tòa xử vắng mặt thì không còn là công dân mà là tội phạm, các nước không có quyền chứa chấp.”

Rồi báo này dẫn lời ông Trọng: “Do vậy, chúng ta có quyền theo luật pháp quốc tế, phối hợp với nước mà đối tượng đang trốn để bắt về. Có mà chạy đàng trời, trốn cũng không được.”

Ông Trọng nói đến luật pháp quốc tế để yêu cầu nước ngoài giúp bắt về nhóm người phạm tội gồm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các người dưới quyền bà tại công ty AIC. Ông Trọng tin rằng các nước khác không chứa chấp tội phạm nhưng nếu không có hiệp định tương trợ pháp lý giữa hai bên và quy định về dẫn độ tội phạm, thì chuyện dẫn độ khó xảy ra.

Vì không có thỏa hiệp dẫn độ với Đức, Việt Nam đã cho Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, năm 2017, cầm đầu một đoàn đặc vụ sang thủ đô Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đem về nước bỏ tù. Vụ ngang nhiên bắt cóc bất chấp luật pháp của Đức và thông lệ quốc tế làm căng thẳng bang giao giữa hai nước một thời gian. Vụ án này từng sôi nổi dư luận trong ngoài nước.

Vào ngày 22 Tháng Năm, tức chỉ một tuần lễ nữa tới đây, đúng ngày khai mạc khóa họp Quốc Hội đầu năm 2023, tòa án CSVN sẽ đem vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các thuộc cấp tại công ty AIC ra xử phúc thẩm theo kháng cáo của các bị cáo.

Trong số 15 bị cáo của vụ này thì có tám người, gồm cả bà Nhàn, hiện đang trốn tránh đâu đó ở nước ngoài. Một số được biết đang trốn ở Mỹ nhưng nước Mỹ mênh mông lại không ai bị bắt phải khai báo hộ khẩu “tạm trú, tạm vắng” như ở xứ độc tài CSVN nên hiện cũng không biết họ ở chỗ nào. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị nghi là sống ở đâu đó một nước bên Âu Châu.

Hỏa tiễn phòng không Spyder của Israel trưng bày trong cuộc triển lãm võ khí ở Hà Nội ngày 9 Tháng Mười Hai, 2022. (Hình minh họa: VNExpress)

Ngày 4 Tháng Giêng vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị kết án khiếm diện 30 năm tù với cáo buộc “vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,” đưa hối lộ cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để trúng thầu xây dựng bệnh viện đa khoa ở địa phương, làm thiệt hại cho nhà nước 152 tỷ đồng, tương đương khoảng $6.5 triệu.

Báo chí tại Việt Nam còn bật mí bà Nhàn là một nhà thầu có một quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo các bộ ngành ở trung ương nên đã trúng thầu nhiều vụ lớn ở nhiều địa phương, gồm cả tỉnh Quảng Ninh, nơi Thủ Tướng Phạm Minh Chính từng là bí thư tỉnh ủy. Bà bị tố cáo thông đồng với các giới chức trong các vụ đấu thầu gian dối để chỉ mỗi mình AIC trúng thầu.

Báo chí Israel từng tiết lộ bà Nhàn là kẻ môi giới mua sắm võ khí từ nước này cho CSVN.

Trong bài viết “The Enduring Role of Mistresses in Southeast Asian Politics” đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 4 Tháng Năm, 2022, nhà báo David Hutt, một người am hiểu chính trị Việt Nam, viết bà Nhàn từng là “tình nhân” (mistress) của ông Chính và Đại Tướng Phan Văn Giang, hiện là bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam.

Chế độ Hà Nội đã mua của Israel từ hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn phòng vệ biển đảo, máy bay không người lái, phần mềm cho công an theo dõi các thành phần chống đối. Việc truy tố và bà bỏ trốn sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuyện trang bị quốc phòng CSVN không ai biết. (TN) [đ.d.]

 

MỚI CẬP NHẬT