Tuesday, March 19, 2024

Nguyễn Xuân Phúc khoe ‘sẵn sàng nắm lấy cơ hội’ của giới đầu tư

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc dự trù đến Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới để chào mời về một nơi an toàn cho giới đầu tư quốc tế với một nền kinh tế tăng trưởng cao và các chính sách kinh doanh thân thiện.

“Chúng tôi đã sẵn sàng nắm lấy cơ hội,” ông Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg TV ít ngày trước khi ông đi Davos, Thụy Sĩ, để tham dự Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới.

Việt Nam ít lâu nay được báo chí quốc tế đề cập như một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á có thể giúp giới đầu tư kỹ nghệ sản xuất chọn để thay thế Trung Quốc hầu tránh những thiệt hại gây ra bởi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ–Trung Quốc.

Theo Bloomberg, với một đống hiệp định tự do thương mại giữa Hà Nội với nhiều nước trong khi giá thuê nhân công rất rẻ mà lại sát ngay Trung Quốc. Ông Phúc có câu chuyện hay để kể tại Diễn Ðàn Davos. Dĩ nhiên, ông ta chào hàng theo đúng kiểu “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại.”

“Chúng tôi đang có gắng gia tăng xuất cảng cả về số lượng và phầm chất của sản phẩm, đặc biệt ở những lãnh vực chúng tôi có thế mạnh. Như là thủy sản, nông phẩm, giày dép và đồ điện tử,” ông Phúc nói, “Chúng tôi nhắm trở thành một nền kinh tế hướng về xuất cảng có thể tăng trưởng nhanh và cung cấp thêm nhiều việc làm với lợi tức cao hơn cho người dân chúng tôi.”

Dù thời gian vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin có thể có hàng loạt các công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc chạy sang Việt Nam, và ngay cả các công ty Trung Quốc cũng chạy dạt sang Việt Nam để tránh bị kẹt giữa hai làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ–Trung, hiện người ta vẫn chưa nhìn thấy những con số đáng kể.

Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách đố nghiêm trọng vẫn chưa vượt qua được. Hạ tầng cơ sở yếu kém, nguồn nhân lực lại không có trình độ chuyên môn cao trong khi luật lệ tròng tréo và hay thay đổi. Không năm nào giới đầu tư ngoại quốc không kêu ca về những điều như thế và nạn tham nhũng vòi vĩnh hối lộ vẫn là bệnh kinh niên.

Năm ngoái, Việt Nam đưa ra “Luật An Ninh Mạng” bị các chính phủ Tây phương, đặc biệt Mỹ, và các tổ chức quốc tế đã kích là gây trở ngại các hoạt động kinh doanh thương mại chứ không riêng gì giới hạn chặt chẽ quyền tự do ngôn luận của người dân.

Có chăng chỉ có thể hấp dẫn được một ít những công ty sản xuất quần áo, giày dép và những loại sản xuất dây chuyền không cần thợ chuyên môn. Bên trên đó, giới đầu tư công nghệ cao phải tính toán dựa trên nhiều yếu tố, nhân công giá rẻ không phải là yếu tố đủ thuyết phục.

Tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì sáng sửa trở lại nếu không muốn nói đang xấu đi. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang kìm hãm tăng trưởng của thế giới khi nhu cầu xuất cảng bị giảm xuống. Những nền kinh tế sống dựa vào xuất cảng như Việt Nam mà thương mại lớn gấp đôi tổng sản lượng quốc gia dễ bị thiệt hại.

Hiện tại thì người ta thấy nền kinh tế của Việt Nam có vẻ chống đỡ được nhờ khu vực ngoại quốc đầu tư sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử và quần áo, giày dép. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 lên đến 7.1% cao nhất trong nhiều năm qua nhưng dự báo chỉ tăng trưởng từ 6.6% đến 6.8% năm nay và còn có thể thâm thủng mậu dịch khoảng $3 tỷ.

Cho tới nay, Việt Nam đã ký khoảng 16 hiệp định tự do thương mại với nước ngoài và đang chờ Liên Âu thông qua một hiệp định mới trước những lời kêu gọi thúc hối phải cải thiện nhân quyền. Việt Nam xuất cảng đạt $244 tỷ trong năm 2018 trong đó xuất cảng sang Mỹ tới $48 tỷ, tăng gấp đôi so với 5 năm trước.

Nhiều nhà đầu tư đa quốc gia đã tới Việt Nam đầu tư sản xuất trong đó có Samsung, một trong những công ty sản xuất điện thoại thông minh và đồ điện tử hàng đầu thế giới, giúp Việt Nam đạt thành tích hãnh diện xuất cảng. Một phần năm trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam là các sản phẩm của Samsung lắp ráp tại Việt Nam.

Theo kết quả xếp hạng của Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới năm 2018, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm. Nếu chỉ so sánh trong khu vực 10 nước ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Cambodia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Cambodia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 bậc. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT