Friday, April 19, 2024

An ninh, dư luận viên quấy rối lễ giỗ TT Ngô Đình Diệm

Nhật Bình/Người Việt

BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Lễ giỗ lần thứ 54 của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm diễn ra trong tiếng nhạc inh ỏi của nhóm dư luận viên, và nhiều an ninh trà trộn vào người tham dự để quay phim, chụp hình.

Chiều 1 Tháng Mười Một, khoảng hơn 300 người dân đến tham dự lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ – cố vấn Ngô Đình Nhu ở nghĩa trang Lái Thiêu, Bình Dương, cách Sài Gòn khoảng 30 km.

Lễ giỗ do Linh Mục Phạm Trung Thành chủ tế, đồng tế còn có Linh Mục Nguyễn Văn Nhứt dòng Đa Minh, Linh Mục Nguyễn Duy Tân ở giáo xứ Thọ Hòa, Đồng Nai, cùng các linh mục khác của dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

An ninh siết chặt lễ giỗ

Chính quyền đã huy động lực lượng công an, cảnh sát giao thông, an ninh mặc thường phục, xe chuyên dụng đứng dọc con đường 743B ở ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngay trước nghĩa trang Lái Thiêu nhằm ngăn cản các linh mục và giáo dân hiệp dâng Thánh Lễ.

Đông đảo người dân đến tham dự lễ giỗ ngay tại mộ phần cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Với áp lực của an ninh, Ban Quản Lý Nghĩa Trang đã cho đóng, khóa hai cổng gần mộ phần của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khiến người đi tham dự phải chui rào. Tuy nhiên, sau đó lỗ chui cũng bị lấp nhiều cây có gai, người ra về phải đi vòng cổng xa hơn 1 km mới về đến chỗ gửi xe ngoài hàng rào, kế ngay mộ cố tổng thống.

Một nhóm thanh niên tự xưng là dư luận viên đã mang hai loa thùng lớn mở hết công suất đến ngồi ngoài hàng rào thép B40 của nghĩa trang, ăn uống bừa bãi, ngay trước mộ cố tổng thống. Tiếng nhạc to của họ nhằm át lời giảng của các linh mục, lời cầu nguyện của người tham dự.

Đáng nói, phía trên ngôi mộ cố tổng thống cũng bị ai đó đổ một lớp bùn đen khiến cho ngôi mộ nhìn khá dơ bẩn, dù trước đó một tuần đã có nhiều người dân tới viếng, làm cỏ và lau chùi sạch sẽ ngôi mộ. 

Nhiều bạn trẻ thức tỉnh

Mở đầu Thánh Lễ, Linh Mục Phạm Trung Thành ca ngợi công lao của cố tổng thống: “Với 54 năm đã đi qua từ khi cụ Ngô nằm xuống; nhất là trong 42 năm qua sau biến cố 1975 chúng ta đã có cả một dòng lịch sử khá dài để có thể so sánh, nhận định và chắc chắn đến giờ phút này lịch sử đã cho chúng ta thấy trong 19 năm lãnh đạo miền Nam Việt Nam, cụ đã dành cho những người dân miền Nam một bầu khí bình an, cuộc sống thịnh vượng và tình người hết sức nhân văn.”

Nhiều người dân phải chui hàng rào để đi vào nghĩa trang vì hai cổng chính gần mộ cố tổng thống bị khóa chặt. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Lễ giỗ có nhiều thương phế binh mặc đồ lính, đặc biệt có rất nhiều bạn trẻ đến tham dự, họ mang theo hoa, nhang để dâng lên mộ phần cố tổng thống.

Anh Nguyễn Duy Minh, 22 tuổi, quê Nghệ An, cho biết: “Hôm nay lần đầu tiên tôi tới ngôi mộ của cố tổng thống. Trước đây khi còn ngồi trên ghế nhà trường đại học cũng như trung học, khi nhắc đến ông Diệm, thì môn lịch sử họ vẫn lên án ông là một người độc ác và phản quốc. Thế nhưng sau này khi đọc được nhiều nguồn thông tin hơn, tôi thấy ông không phải như vậy.”

“Hôm nay tôi mang hoa và nhang tới viếng ông. Xem như lời tạ lỗi vì trước đây đã nghĩ không đúng về vai trò, tầm vóc của ông. Tôi nghĩ rằng lớp trẻ nên đi tìm hiểu sự thật ngoài những gì mình được học, được đọc, qua những nhân chứng còn sống tới bây giờ như cụ già mà tôi gặp trong buổi lễ ngày hôm nay,” anh nói thêm.

Chia sẻ về lý do tham dự buổi lễ, anh Trần Hòa, 27 tuổi, làm việc ở Sài Gòn, cho biết: “Tôi đọc được thông tin Thánh Lễ này qua Facebook của cha Lê Ngọc Thanh, nên chiều nay tôi xin nghỉ làm việc để đi tham dự. Tôi rất vui khi thấy nhiều người tham dự, nhất là nhiều bạn trẻ như tôi.”

“Suốt một quảng thời gian dài tôi chỉ biết nghe từ một phía – lời Cộng Sản. Thời gian gần đây nhờ Internet, nhất là Facebook tôi mới bừng tỉnh và càng ngày càng kính trọng cụ Diệm nhiều hơn. Tôi khinh bỉ những kẻ lật lọng, đặt điều nói xấu cụ Diệm cũng như thể chế Việt Nam Cộng Hòa,” anh khẳng định.

Nhiều bạn trẻ mang theo nhang, hoa và mặc quần áo lính có in hình cờ vàng ba sọc đỏ đến tham dự buổi lễ. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Còn anh Việt Khải Hoàng, 45 tuổi, giáo viên một trường cấp 2 ở Sài Gòn, cho biết: “Nhìn mộ phần của cố tổng thống và ông cố vấn mà không khỏi đau lòng. Đến cái tên cũng không được viết lên bia mộ. Nếu chính quyền Cộng Sản muốn nói chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc, thì tôi nghĩ điều đầu tiên là phải trả đúng tên ông trên tấm bia mộ này, chứ không phải chỉ một chữ ‘Huynh’ và ‘Đệ’ như vậy.”

“Khi nhà cầm quyền không dám đối diện và trung thực với sự thật lịch sử thì sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng trở nên gian dối và băng hoại nhân cách con người, vì nhân cách con người không thể xây dựng khi không có nền móng,” anh nói.

Kết thúc buổi lễ, phía an ninh còn gây hấn và hành hung chị Nguyễn Huyền Trang thuộc trang truyền thông “Tin Mừng Cho Người Nghèo” và cho người chặn đường một phóng viên tự do nhằm lấy dữ liệu hình ảnh video, nhưng nhờ sự trợ giúp của người dân bên đường nên anh đã kịp thời thoát thân.

Liên tục trong những năm gần đây, các Thánh Lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã được các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và người dân tổ chức ngay tại mộ của ông ở nghĩa trang Lái Thiêu, Bình Dương, khiến chính quyền khó chịu.

Trên một số diễn đàn và trang mạng xã hội được sự bảo trợ của chính quyền Cộng Sản, dư luận viên và thành phần cực đoan đã kêu gọi phá đám ngày tổ chức lễ giỗ này. (Nhật Bình)

Mời độc giả xem phóng sự “Tang lễ Rachel Nguyễn, cô gái mất tích ở Joshua Tree National Park”

MỚI CẬP NHẬT