Friday, April 26, 2024

Nông dân ở Việt Nam kêu cứu vì ‘ngăn sông, cấm chợ’ chống COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nông dân tại nhiều địa phương tại Việt Nam kêu cứu vì nông sản không bán được, hậu quả từ cách đối phó với dịch COVID-19 của nhà cầm quyền.

Hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Hai, tờ Thanh Niên cho hay “thị xã Đông Triều là vựa nông sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc thông thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn.” Nhà cầm quyền địa phương đặt ra những quy định chống dịch, gây khó khăn cho các xe tải từ các tỉnh khác tới thu mua, đem đi phân phối.

Hai thanh niên mang các bao rau cải mua “giải cứu” giúp nông dân Hải Dương bán với giá “vừa bán vừa cho” ở Hà Nội ngày 24 Tháng Hai, 2021. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

“… Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản tại thị xã Đông Triều đang loay hoay như ‘gà mắc tóc’ vì không biết làm thế nào vận chuyển hàng ra khỏi địa bàn; hay ra đồng, đến khu chăn nuôi để chăm sóc vật nuôi, nhất là trong bối cảnh nhiều xã, phường của thị xã Đông Triều thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19,” tờ Thanh Niên viết.

Không chỉ nông dân mà ngư dân của tỉnh Quảng Ninh cũng không thoát. “… Gần một tháng qua, toàn bộ đảo Cái Bầu với 7 xã, thị trấn bị phong tỏa, càng khiến việc thông thương gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, theo quy định thì xe của huyện chở hàng tiêu thụ đến chốt kiểm soát xong phải chuyển tải sang phương tiện khác, làm tăng thêm chi phí. Ước tính, tại huyện Vân Đồn còn khoảng vài chục tấn cá song, 40 tấn hàu… cùng hàng trăm tấn nhuyễn thể, hải sản khác đang nằm dưới biển sâu, chưa tiêu thụ được.”

Giống như tỉnh Quảng Ninh, mấy ngày trước, người ta thấy nông dân tỉnh Hải Dương đã phải nhổ bỏ hoặc bán rẻ như cho các loại rau, củ để vớt vát phần nào số tiền đổ vào canh tác.

VNExpress đưa tin ngay tại thủ đô Hà Nội, nông dân huyện ngoại thành Mê Linh “nhổ bỏ,” “vất đầy đường” hoặc bỏ mặc không săn sóc trên cánh đồng từ rau củ đến cà chua vì “đến kỳ thu hoạch” mà không bán được.

Hôm Thứ Bảy 27 Tháng Hai, tờ Thanh Niên cho hay nông dân nhiều nơi khác cũng kêu cứu thê thảm không kém.

“Ngày 23 Tháng Hai, Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) gửi đến các cơ quan, đoàn thể thư xin được hỗ trợ ‘giải cứu’ hàng tấn nông sản tại địa phương do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không tiêu thụ được. Trong thư của Hợp Tác Xã này ghi: Các nguồn tiêu thụ chính như chợ đầu mối đều tạm dừng nhập hàng trong khi lượng nông sản hiện tại của Hợp Tác Xã sản xuất khoảng 1,000 tấn rau củ quả các loại, đặc biệt trong đó có khoảng 300 tấn bắp cải, cải thảo cần giải cứu. Các mặt hàng nông sản cần được giải cứu lần này chủ yếu rau xà lách, cà chua, bắp cải, dưa leo, cải thảo…,” tờ Thanh Niên tường thuật.

Người phụ nữ ôm mớ xu hào mua “giải cứu” giới nông dân Hải Dương vì hậu quả của cách đối phó dịch COVID-19 của nhà cầm quyền. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Trước các tin tức kiểu “ngăn sông cấm chợ” để chống đại dịch COVID-19 gây thiệt hại sản xuất kinh tế, hôm 24 Tháng Hai, nhà cầm quyền trung ương thúc “các Bộ Y Tế, Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Giao Thông Vận Tải, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan sớm có hướng dẫn, hỗ trợ, có giải pháp giúp hàng hoá thuận lợi lưu thông, xuất khẩu, tiêu thụ,” nhất là “nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại địa phương có dịch COVID-19.”

Trước đó, ngay từ 2 Tháng Hai, ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, họp báo cả quyết “dứt khoát không ngăn sông cấm chợ” vì “cả nước vẫn phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống tốt hiệu quả dịch bệnh nhưng vẫn phải thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển xã hội.”

Dù vậy, một tháng sau cuộc họp báo của ông Dũng, nông dân vẫn phải kêu cứu, nông sản vẫn phải vất bỏ. (TN) [ kn]

MỚI CẬP NHẬT