Friday, April 26, 2024

Ông Đinh La Thăng đề nghị tòa ‘tuyên vô tội’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Đinh La Thăng đề nghị Viện Kiểm Sát xem xét tuyên ông không có tội. Trong khi đó, Viện Kiểm Sát để nghị Hội Đồng Xét Xử giữ nguyên án sơ thẩm tuyên ông 18 năm tù.

Theo báo Tuổi Trẻ, trong phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng – cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) – và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vào sáng 22 Tháng Sáu tại Hà Nội, ông Thăng bị Viện Kiểm Sát đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm 18 năm tù.

Trong phần tranh luận của phiên xét xử này vào chiều cùng ngày, ông Thăng đề nghị Hội Đồng Xét Xử, Viện Kiểm Sát “xem xét tuyên mình không có tội. Bởi theo bị cáo, thực tế ông không cố ý làm trái, không vi phạm pháp luật, đầu tư đúng chủ trương, hiệu quả. Việc OceanBank bị mua 0 đồng, PVN mất vốn không phải là trách nhiệm của ông vì thời điểm 2015, ông đã chuyển công tác được vài năm,” báo Tuổi Trẻ cho hay.

Không những bị Viện Kiểm Sát đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm 18 năm tù, mà ông Thăng còn bị buộc bồi thường 600 tỷ đồng (hơn $26.5 triệu) cho PVN.

Báo VNExpress dẫn lời ông Thăng tại tòa: “Xin tòa xem xét lại tội danh, hình phạt cũng như trách nhiệm dân sự bồi thường 600 tỷ đồng mà tôi phải gánh chịu một cách bất công, vô lý. Trong thời tiết 40 độ C, tôi phải nằm trong bốn bức tường bê tông nên mong Hội Đồng Xét Xử thông cảm.”

Ông Thăng cũng được ghi nhận nói thêm: “Tôi rất mong muốn được chấp hành đúng. Nhưng cũng vì chấp hành đúng mà tôi đã phải chịu một mức án 18 năm tù, rất bất công và vô lý. Nếu cứ hỏi thế này thì chỉ tìm những căn cứ buộc tội tôi mà không có căn cứ gỡ tội. Nếu công bằng, khách quan thì tôi đã không phải ra tòa lần này.”

Đáng lưu ý, trong những ngày phiên xử phúc thẩm đang diễn ra tại Hà Nội, người ta thấy các luật sư bào chữa cho ông Thăng và các nhà báo mấy tháng trước còn lên tiếng bênh vực ông nay đã không còn bày tỏ sự ủng hộ với cựu bí thư Sài Gòn trên mạng xã hội.

Đến nay, sau hai phiên tòa diễn ra liên tiếp tại Hà Nội, ông Thăng bị tuyên tổng cộng 31 năm tù giam.

Việc ông Thăng sẽ bồi thường khoản tiền 600 tỷ đồng thế nào cũng được công luận quan tâm vì ông này không bị kê biên tài sản như trường hợp các bị cáo bị buộc tội “gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng” khác. Theo VNExpress, việc chưa kê biên tài sản của ông Thăng “có thể sẽ gây khó khăn trong công tác thi hành án.” Theo luật pháp Việt Nam, nếu người bị kết tội không tự nguyện bồi thường thì trách nhiệm xác minh, kê biên tài sản sau này thuộc về cơ quan thi hành án.

Việc tuyên phạt bị cáo phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng trong các vụ “tham ô,” “cố ý làm trái” được xem là chiêu thức của cơ quan tố tụng để công luận thấy mức độ sai phạm nghiêm trọng của bị cáo, chứ ít có hiệu quả trên thực tế.

Truyền thông Việt Nam ghi nhận, hai năm sau bản án phúc thẩm hồi Tháng Tám, 2012, tuyên cựu chủ tịch Tập Đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng tám “đồng phạm” phải bồi thường hơn 1,100 tỷ đồng (hơn $48 triệu), riêng ông Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng (hơn $21.8 triệu), cơ quan thi hành án mới thu được 2.4 tỷ đồng (hơn $104,805).

Trong một phiên tòa khác, ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) và đồng phạm bị tuyên bồi thường hơn 360 tỷ đồng (hơn $15.7 triệu), song đến Tháng Hai, 2016, cơ quan thi hành án được ghi nhận mới thu được hơn 19 tỷ đồng (hơn $829,707). (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT