Thursday, March 14, 2024

Ông Tư và lớp học cho trẻ nghèo giữa làng đại học ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lớp học tình thương của ông Tư ở làng đại học chỉ thu học phí tượng trưng, bằng một ổ bánh mì thịt, bởi vì học sinh của lớp đều là con em của những người lao động nghèo tha hương vô Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Lớp học của vợ chồng ông Tư mở ra được 24 năm, nằm gọn lỏn trên đoạn đường nội bộ, xung quanh là quán xá tạm bợ ở làng đại học Thủ Đức.

Kể với báo Thanh Niên, ông Tư cho biết vợ ông dạy học từ thuở con gái cho đến khi lấy chồng, nhưng vì cuộc sống ở quê nhà Mỹ Tho, Tiền Giang, quá nghèo nên bà sớm nghỉ dạy, cùng ông lên Sài Gòn. Rồi hai vợ chồng làm giữ đất cho một công ty ngoại quốc ở làng đại học.

Ở đây, chứng kiến những đứa trẻ nghèo không được đi học, lông bông quậy phá, cha mẹ thì quần quật làm việc cả ngày, thấy thương xót nên ông bà Tư quyết định mở lớp học. Cứ vậy, những đứa trẻ kéo đến lớp học của vợ chồng ông ngày một đông hơn.

Lớp học tình thương của ông bà Tư nằm trong khu vực làng đại học Thủ Đức, Sài Gòn. (Hình: Zing)

Lớp học tình thương của ông Tư có chừng 40 em. Các em không gọi ông Tư là “thầy” mà gọi thân thương là “ông Tư.” Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng hầu hết đều nghèo khó, cha mẹ làm thuê, làm mướn nên chật vật lắm cũng không lo đủ tiền để cho con đi học ở trường của nhà nước. Một số khác vì không có giấy khai sinh, hộ khẩu… nên không xin đi học được ở trường công. Giờ học nào cũng vậy, không cần điểm danh nhưng chỉ rảo mắt qua là ông Tư biết ngày đó vắng đứa nào.

Gần tới giờ học, anh Lĩ, một công nhân làm việc tại Bình Dương, có hai đứa con đang theo học lớp ông Tư mới chở con tới lớp. Anh chia sẻ, vợ chồng anh quê ở An Giang lên Bình Dương kiếm việc làm qua ngày, hai con tới tuổi đi học nhưng vợ chồng không có tiền nên gửi con nhờ ông Tư dạy học.

“Ông Tư dạy hay lắm, giờ tụi nhỏ biết đọc hết ráo. Nếu không được học lớp ông Tư chắc phải gửi hai đứa nhỏ về lại dưới quê, chứ ở đây không kham nổi,” anh Lĩ cho biết.

Cùng ông Tư dạy học còn có các sinh viên tình nguyện, mỗi người kèm cặp một bên: bên lớp Một, bên lớp Hai. Phòng bên cạnh thì lớp Ba, lớp Bốn. Mỗi phòng học chỉ có nửa tấm bảng lớn để dạy.

Ông Tư đã 77 tuổi nhưng hằng ngày vẫn cặm cụi chấm bài, dạy học cho những đứa trẻ nghèo. (Hình: Zing)

“Mình đi dạy ở đây vì thương các em và thương cả ông Tư. Trước đây còn có bà Tư dạy nữa, nhưng giờ bà bị bệnh nên còn mình ông trong khi có tới mấy chục em làm sao mà ông quản hết,” bạn Phạm Phi Nhung, sinh viên năm 2 trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, chia sẻ.

Hơn một năm qua, bà Tư bị tai nạn, phải về nhà ở Mỹ Tho để điều trị. Ông Tư thì vẫn trụ lại để duy trì lớp học cho đám học trò nghèo.

Lúc mới mở lớp học, vợ chồng ông Tư không lấy tiền. Tới khi, công ty mà ông bà làm việc bị giải thể, phụ huynh sợ ông bà không có chi phí nên phụ 15,000 đồng (65 cent) mỗi tháng cho tới bây giờ vẫn vậy.

Khi được hỏi tại sao không tăng thêm tiền, ông Tư cho biết, dạy học đến nay đã 24 năm, không ít lần ông phải nghẹn lòng bởi những lời ra tiếng vào của những người xung quanh. “Họ không nói thẳng nhưng nói sau lưng rằng tui mở lớp đặng đi gom tiền. Tui hỏi chứ mở lớp ở đây, 15,000 đồng/tháng thì gom được bao nhiêu?” ông Tư chợt khựng lại khi nói.

Những đứa trẻ ở lớp học ông Tư không chỉ được dạy đọc, viết mà còn được vui chơi thỏa thích những khi cha mẹ đi làm bận rộn. (Hình: Zing)

Ông Tư tâm sự, cũng vì những lời ra tiếng vào đó nên đôi lúc ông nản lòng, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ lớp học này bởi ngày nào được đứng lớp, nhìn các em nhỏ cặm cụi từng nét chữ là ngày đó ông còn cảm thấy hạnh phúc.

Theo báo Zing, ông Tư tên thật Huỳnh Văn Phê, quê gốc Bến Tre, vợ là Nguyễn Thị Lành, người Mỹ Tho. Mọi người thường gọi họ là ông bà Tư cho gần gũi.

Ông còn nhớ như in ngày mở lớp là 15 Tháng Tám, 1994, lúc đó hai vợ chồng mới ổn định cuộc sống sau khi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn làm công nhân cho một công ty gần làng đại học Thủ Đức.

Trong cuộc trò chuyện, đôi lần ông Tư bùi ngùi vì mình đã tuổi già sức yếu. Còn bà Tư thì ngã bệnh, nhập viện rồi về quê sống, không thể dạy dỗ các em nhỏ cùng ông như xưa.

Ông năm nay 77 tuổi, chân tay run rẩy, mắt mờ đi nhiều, nhưng vẫn: “Tự hứa với mình, phải dạy đến khi không làm nổi nữa thì thôi.” (Tr.N)

Mời độc giả xem phóng sự “Dân Việt Nam uống cà phê ‘phin’ hay cà phê ‘pin’?”

MỚI CẬP NHẬT