Friday, March 29, 2024

Phiên xử ‘đại án’ Trầm Bê: Hơn 70 luật sư, dài một tháng

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hơn 70 luật sư được cấp phép tham gia tố tụng trong phiên tòa xử ông Trầm Bê dự kiến dài một tháng, từ ngày 8 Tháng Giêng đến ngày 9 Tháng Hai, tại Tòa Án Nhân Dân ở Sài Gòn, theo báo Người Lao Động.

Báo này cho hay, phiên tòa xử “đại án Phạm Công Danh-Trầm Bê, giai đoạn hai” cũng quy tụ hơn 200 người “có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Ông Trầm Bê là cựu phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Sacombank. Trong vụ án này, ông Trầm Bê cùng ông Phạm Công Danh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Xây Dựng (VNCB) và các đồng phạm khác bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Theo báo Người Lao Động, tòa sẽ triệu tập một số “đại gia” như ông Trần Quý Thanh (chủ Tập Đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng BIDV)…

Một bài khác trên tờ báo này dẫn cáo trạng nói ông Trầm Bê “đã giúp sức tích cực cho ông Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB 1,836 tỷ đồng (hơn $80.8 triệu).”

Trong phiên phúc thẩm cách đây một năm, ông Phạm Công Danh bị y án 30 năm tù với hai tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

Luật Sư Phạm Hoài Nam, Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn, tiết lộ trên trang Facebook cá nhân: “Tôi được gia đình thân chủ nhờ bào chữa cho người thân là bị cáo đứng thứ tư trong top đầu vụ nên cũng thấy đó là trọng trách lớn đồng thời cũng là áp lực khi phải xử lý một núi việc, hồ sơ vụ án gần 25,000 bút lục nên riêng thời gian xem và chụp hồ sơ đã hết ba ngày, nghiên cứu một tuần rồi mà các con số tiền vay hàng trăm tỷ đồng cứ nhảy múa nên thấy rất căng.”

Hồi Tháng Mười Hai, 2017, báo Tiền Phong tường thuật, ông Trầm Bê “khai ra số tiền mà Sacombank cho ông Phạm Công Danh vay đáng lẽ không dừng lại ở con số hơn 1,800 tỷ đồng mà còn cao hơn nhiều.”

Báo VietNamNet hồi Tháng Tám, 2017, mô tả ông Trầm Bê là “ông trùm tài chính gốc Hoa rất kín tiếng, với những sở thích lạ đời, không giống ai.” Tờ báo nói ông “từng chi phối hai ngân hàng, một doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất hàng đầu Sài Gòn, một bệnh viện, một công ty vàng bạc đá quý, công ty chứng khoán…”

VietNamNet viết: “Tính tới cuối năm 2016, ông Trầm Bê và những người có liên quan nắm giữ khoảng hơn 9.5% vốn ngân hàng Sacombank với gần 180 triệu cổ phiếu trị giá khoảng 2,300 tỷ đồng (hơn $101.3 triệu). Khối tài sản của gia đình ông Trầm Bê trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều bởi nó còn nằm ở những tài sản thuộc các doanh nghiệp chưa niêm yết như: bệnh viện Đa Khoa Tư Nhân Triều An, công ty Sơn Sơn…”

Ở thời điểm đó, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, viết trên Facebook: “Những tên tuổi như Trầm Bê, Nguyễn Đức Kiên (‘Bầu Kiên’), Phạm Công Danh, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như… đã ghi dấu ấn không được chói lọi cho lắm trong lịch sử ngân hàng xứ này. Nhưng còn nhiều…, chưa dừng lại đâu. Nơi nào đậm mùi tiền nhất thì nơi đó còn tan tác. Chỉ dân chúng là thiệt chứ nhà nước chả mất gì. Khi nào mấy ngân hàng đinh như Vietcombank, Vietinbank, Eximbank, Agribank… có vấn đề thì nhà nước mới lo, chứ bọn thương mại cổ phần thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Bọn lẻ tẻ mà sập, theo quy định mới, dù có gửi trăm tỷ, ngàn tỷ đồng thì cũng chỉ được đền bù bảo hiểm tiền gửi mức tối đa 75 triệu đồng (hơn $3,300) thôi, các bác gửi tiền nhé.” (T.K.)

Lãnh đạo xã ở Thanh Hóa bị tố cờ bạc ăn tiền tại công sở

MỚI CẬP NHẬT