Sunday, April 28, 2024

Phó bí thư Nam Định ‘hoang tưởng,’ tin nhiệt điện than giúp tăng ngân sách

NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – “Chỉ khi đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện thì thu ngân sách mới tăng đột biến được chứ như hiện nay thu ngân sách mỗi năm (của tỉnh) chỉ mấy ngàn tỷ đồng,” ông Trần Văn Chung, phó bí thư thường trực Tỉnh Ủy Nam Định, được báo InfoNet hôm 25 Tháng Giêng dẫn lời.

Tờ báo của Bộ Thông Tin Truyền Thông cho hay Nhà Máy Nhiệt Điện BOT Nam Định 1 “sẽ được khởi công vào đầu năm tới.”

Theo InfoNet, Tỉnh Ủy Nam Định nhất quyết làm nhiệt điện than vì hiện nay mức thu ngân sách mỗi năm của cả tỉnh “đang rất thấp, chỉ tương đương mức nộp ngân sách của Nhà Máy Hyundai Thành Công tại tỉnh Ninh Bình.”

Dự án Nhà Máy Nhiệt Điện BOT Nam Định 1 được ghi nhận tiến hành trên diện tích đất 242.71 hécta tại huyện Hải Hậu, với tổng vốn đầu tư hơn $2 tỷ, dùng nguyên liệu than, tổng công suất hai tổ máy khoảng 1,109 MW.

Dự án do Công Ty Điện Lực Nam Định Thứ Nhất làm chủ đầu tư. Đáng lưu ý, truyền thông nhà nước nói công ty này đăng ký thành lập tại Singapore trên cơ sở tái cấu trúc từ Công Ty Điện Taekwang của Hàn Quốc và Công Ty Quốc Tế Dự Án Điện Nước thuộc Ả Rập Saudi.

Theo InfoNet, phản hồi những quan ngại rằng nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, ông Chung nói: “Đương nhiên là nhà đầu tư cũng có tính toán đến việc đảm bảo môi trường, nếu không thì họ sẽ bị đóng cửa nhà máy. Từ câu chuyện của Formosa, bây giờ bản thân nhà đầu tư họ cũng phải lo về công nghệ, nếu không sẽ bị dừng hoạt động.”

Phát ngôn hồ hởi của ông Chung về chuyện nhiệt điện than có thể “giúp tăng thu ngân sách đột biến” được đưa ra trong bối cảnh hồi Tháng Mười Hai, 2018, báo Zing cho hay: “Quý III năm 2018 trở thành quãng thời gian không mấy sáng sủa đối với các nhà máy nhiệt điện khi nhiều nhà máy cỡ lớn ở Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh… thua lỗ vài trăm tỉ đồng với những lý do giống nhau. 20 nhà máy nhiệt điện than vận hành, cung cấp khoảng 86 tỷ kWh, chiếm 39% tổng lượng điện thương phẩm cả nước. Đóng góp lớn vào tổng lượng cung điện cả nước nhưng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang “khóc ròng” vì thua lỗ.”

Tờ báo liệt kê một loạt nguyên nhân khiến các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc Việt Nam thua lỗ: “Sản lượng thấp và nhiều tổ máy vào kỳ sửa chữa, các khoản chi phí cố định như khấu hao, lãi vay, chênh lệch tỷ giá, giá bán điện giảm, thiếu than do Tập Đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) không đáp ứng đủ nguồn cung…”

Đồng thời, phát ngôn của ông Chung cũng cho thấy cách hành xử lộng quyền của lãnh đạo tỉnh ủy ở các địa phương khi tiếm quyền điều hành kinh tế, đầu tư trong khi họ chỉ có chuyên môn về lý luận đảng CSVN.

Không rõ các nhà máy nhiệt điện than đóng góp cho ngân sách các địa phương ở Việt Nam đến đâu, tuy nhiên, công luận có lý do để quan ngại về chuyện Trung Quốc đứng sau các nhà máy này để gây hại cho môi trường và xâm hại an ninh ở Việt Nam. Báo Đất Việt hôm 23 Tháng Giêng trích dẫn một báo cáo của Viện Kinh Tế Năng Lượng và Phân Tích Tài Chính (IEEFA) cho biết: “Trung Quốc đổ $3.6 tỉ USD để phát triển 13,280 MW nhiệt điện than tại Việt Nam. Trong khi các tổ chức tài chính trên thế giới đang dần rút khỏi nhiệt điện than để hạn chế rủi ro thì Trung Quốc, quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo trong nước, đang tài trợ cho 1/4 các nhà máy điện than ở 27 quốc gia.”

“Tính đến nay, các ngân hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng 15 nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. Đáng lưu ý, các hợp đồng này có thể yêu cầu sử dụng một lực lượng lao động chiếm ưu thế hoặc hoàn toàn của Trung Quốc, hạn chế lợi ích kinh tế địa phương…,” tờ báo viết thêm. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT